Sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại

Sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại
Bị kiện trăm vụ nhưng mới PVTM 4 lần Việt Nam đang trong quá trình đi vào chiều sâu của hội nhập kinh tế quốc tế. Khi các hiệp định thương mại FTA được ký kết, hàng rào thuế quan gần như dỡ bỏ hoàn toàn thì đó vừa là cơ hội vừa là rào cản với cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, khi các đối tác FTA cũng là các nhà nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam đồng thời cũng là các nhà xuất khẩu bị kiện PVTM nhiều nhất trên thế giới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc… thì việc sử dụng công cụ PVTM của các DN Việt Nam càng cần thiết. 
Sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại ảnh 1
Chế biến cá basa xuất khẩu tại Công ty thủy sản Bình An (Cần Thơ). Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về PVTM, Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), thực tế, PVTM không phải vấn đề mới ở Việt Nam. Cách đây 10 năm, các DN Việt Nam đã phải đối diện với vụ kiện về cá tra, cá basa và sau đó là tôm đông lạnh. Cộng đồng DN, các hiệp hội có thể nói là đã có kinh nghiệm trong các vụ việc kiện và chống phá giá. Thậm chí, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam còn khởi kiện Hoa Kỳ 2 vụ về một số biện pháp áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, việc PVTM hiện nay của các DN Việt còn hạn chế. Theo thống kê của VCCI, đến tháng 10/2015, có tới 94 vụ điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 36 vụ bị áp dụng biện pháp PVTM về chống bán phá giá. Danh sách mặt hàng xuất khẩu bị điều tra càng ngày trở nên đa dạng từ ốc vít, sợi, máy biến thế cho đến thủy hải sản, thép… Các vụ kiện PVTM đã gây ra tác động xấu đối với các DN xuất khẩu. Trong khi đó, tới nay Việt Nam mới chỉ sử dụng công cụ này 4 lần, với 3 vụ kiện tự vệ và 1 vụ kiện chống bán phá giá. Đặc biệt, các sản phẩm bị kiện trong cả ba vụ việc PVTM của Việt Nam đều không phải các sản phẩm trong tốp đầu về nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là tín hiệu cho thấy nhiều loại hàng hóa khác của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu chưa được bảo vệ bằng công cụ phòng vệ thương mại.Cần đưa vào chiến lược kinh doanh Câu chuyện hàng hóa nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam gây hại cho sản xuất trong nước là câu chuyện nhãn tiền khi các FTA được ký kết có hiệu lực, hàng rào thuế quan dỡ bỏ gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Trung tâm WTO và Hội nhập với 1.000 DN, bao gồm cả DN trong nước và DN FDI thì có tới 77% trả lời biết về PVTM thông qua thông tin đại chúng, tức là hiểu biết rất sơ khởi. 
Chỉ có khoảng hơn 1/3 DN có thể cân nhắc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nếu gặp khó khăn do hàng nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh hoặc nhập khẩu ồ ạt vào thị trường; 71% DN cho rằng tập hợp lực lượng để đi kiện là rất khó khăn, 86% DN cho rằng nếu đi kiện thì sẽ gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tài chính; chỉ 11% DN cho rằng các cán bộ nhân viên của DN có thể đáp ứng được yêu cầu đi kiện và chỉ 2% DN cho rằng có thể tập hợp được đầy đủ các thông tin, bằng chứng cần thiết.
Đáng chú ý, có tới 1/3 DN trả lời cho rằng có tồn tại hiện tượng hàng hóa nước ngoài bán sang Việt Nam với giá thậm chí còn rẻ hơn giá bán tại thị trường nước họ. Hiện tượng này đang diễn ra phổ biến chứ không phải của riêng ngành nào. Việc sản phẩm nước ngoài bán giá thấp đã mang lại hệ quả lớn, khi có tới hơn nửa số DN được khảo sát cho rằng bị cạnh tranh nhiều hơn; 37,21% số doanh nghiệp cho rằng hiện tượng hàng hóa nhập khẩu bán giá thấp khiến họ không thể cạnh tranh được. “Do vậy. để nâng cao khả năng hiện thực hóa các vụ kiện PVTM ở Việt Nam thời gian tới, yêu cầu đầu tiên phải từ DN, thay đổi nhận thức của DN về vấn đề này. DN cần đưa PVTM vào là chiến lược kinh doanh của DN để sẵn sàng đối phó trong những tình huống thực tế”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết. Là người tham gia vào vụ kiện bán phá giá đầu tiên của Việt Nam, Luật sư Phạm Lê Vinh, Công ty TNHH Luật ATIM cho rằng, nguyên tắc luật pháp Việt Nam hay quốc tế thì dù khởi kiện hay bị kiện thì cơ quan điều tra cũng rất cần thông tin. Vì vậy, DN Việt cần có thái độ hợp tác với các cơ quan điều tra, phá bỏ rào cản tâm lý e ngại để có thể tham gia vào sân chơi để hội nhập với quốc tế. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, phần lớn các DN không thể có hoặc có thể có nhưng không đầy đủ về những nội dung phải chứng minh trong đơn kiện. Trong khi đó, theo cơ chế hiện tại thì nhiều thông tin cần tập hợp hiện đang thuộc danh mục thông tin chỉ có cơ quan nhà nước mới có và DN không có quyền tiếp cận. Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM nhất thiết phải bao gồm việc hiện thực hóa khả năng tiếp cận của DN đối với các thông tin cần thiết cho việc khởi kiện PVTM. Đặc biệt, nếu muốn sử dụng công cụ PVTM nhất thiết DN phải hợp tác với nhau, nhất là những DN cùng ngành hàng. Do vậy, vai trò tập hợp, liên kết DN của các hiệp hội ngành hàng cần được nâng cao hơn nữa. “Hiệp hội ngành hàng là kênh tập hợp lực lượng của nguyên đơn hiệu quả nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Việc tập hợp lực lượng thông qua Hiệp hội có lợi thế lớn trong việc tận dụng “đầu mối sẵn có” cho tất cả các hoạt động cần thiết của một vụ kiện PVTM”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm