Sốt xuất huyết gia tăng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân

Sốt xuất huyết gia tăng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân

Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 18/7, cả nước ghi nhận hơn 113.400 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 10.000 ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đến thời điểm này, cả nước đã có 39 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Bộ Y tế dự báo, ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Không để dịch chồng dịch

Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Bộ Y tế mới đây đã tiếp tục có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt các lực lượng cán bộ tại các tổ dân phố, thôn, bản và cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ.

Các địa phương triển khai mạnh mẽ các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay trong tháng 7 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại; vận động toàn thể người dân cùng tham gia.

Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyển, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện.

Đồng thời, Sở tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở...

Các địa phương lên phương án phòng, chống

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đang tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5.855 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 77 ca nặng, 336 ca có dấu hiệu cảnh báo. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương dẫn đầu về số ca mắc.

Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế cùng các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết với phương châm “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”, diệt lăng quăng (bọ gậy) là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 11/7 đã có 26.138 ca mắc sốt xuất huyết đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tăng 228% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2.009 ca nhập viện điều trị nội trú. Đáng chú ý, số ca chuyển nặng và tử vong cũng tăng cao so với cùng kỳ và trung bình giai đoạn 2016 - 2020 với 12 trường hợp tử vong.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị 3 tình huống để xây dựng kịch bản ứng phó với dịch sốt xuất huyết. Cụ thể, nếu số ca nhập viện là 300 người/ngày, 2.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú và số ca bệnh nặng dưới 200 thì sẽ chuẩn bị 2.045 giường điều trị, 250 giường hồi sức tích cực.

Nếu có từ 300-600 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 2.000-4.000 người đang điều trị nội trú và 200-400 ca bệnh nặng, sẽ tăng cường số giường trong giai đoạn này lên 4.000 giường điều trị và 410 giường hồi sức tích cực (trong đó có 120 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi).

Còn với tình huống có 600-900 ca bệnh nhập viện mới mỗi ngày, 4.000-6.000 ca điều trị nội trú và 400-600 ca bệnh nặng, sẽ chuẩn bị 6.000 giường điều trị và 605 giường hồi sức tích cực (trong đó có 210 giường hồi sức tích cực tại các bệnh viện chuyên khoa nhi)…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dự báo nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết trên diện rộng nếu người dân, chính quyền địa phương không quyết liệt cùng chung tay với ngành y tế khống chế các ổ bệnh.

Cùng với đó, cần tập trung thực hiện công tác truyền thông, giúp người dân sớm nhận biết các biểu hiện của bệnh, từ đó chủ động phát hiện sớm ca mắc để được chữa trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Hiểu để điều trị đúng

Theo các chuyên gia y tế, trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, với số lượng người mắc bệnh tăng cao, thậm chí phải nhập viện, tử vong, người dân cần nhận biết các triệu chứng, cách dùng thuốc đúng và các biện pháp phòng ngừa có thể dễ dàng chống lại căn bệnh này.

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus do muỗi truyền, đôi khi biến chứng có thể gây chết người được gọi là sốt xuất huyết nặng.

Tại Việt Nam, tình hình nhiễm sốt xuất huyết thường diễn biến phức tạp và đạt đỉnh từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Hiện số ca sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng.

Việc phát hiện sớm và chăm sóc y tế thích hợp sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong. Cần nghi ngờ sốt xuất huyết khi sốt cao (40°C) kèm theo 2 trong số các triệu chứng sau trong giai đoạn sốt (2-7 ngày): Nhức đầu dữ dội; Đau hốc mắt; Đau cơ và khớp; Buồn nôn; Nôn mửa; Phát ban.

Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng thường vào giai đoạn khoảng 3-7 ngày sau khi phát bệnh. Trong 24-48 giờ của giai đoạn quan trọng này, một số bệnh nhân có thể biểu hiện các triệu chứng xấu đi đột ngột. Sốt xuất huyết nặng có thể gây tử vong, do huyết tương bị rò rỉ, tích tụ chất lỏng, suy hô hấp, chảy máu nghiêm trọng hoặc suy đa tạng. Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: Đau bụng; Nôn mửa liên tục; Thở nhanh; Chảy máu nướu răng hoặc mũi; Mệt mỏi; Bồn chồn; Gan to; Máu trong chất nôn hoặc phân.

Nếu bệnh nhân biểu hiện các triệu chứng này, cần theo dõi sát sao và chăm sóc y tế thích hợp, tránh biến chứng và nguy cơ tử vong.

Sốt xuất huyết do virus gây ra, hiện không có thuốc đặc trị hay kháng sinh điều trị.

Đối với bệnh sốt xuất huyết điển hình, việc điều trị được hướng tới việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên nghỉ ngơi và uống nhiều nước để tránh mất nước do nôn và sốt cao. Sốt xuất huyết là một bệnh sốt siêu vi nên thuốc kháng sinh không hữu ích đối với bệnh nhiễm virus này. Do vậy, người bệnh không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp nhập viện, nếu bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine ngừa sốt xuất huyết nên biện pháp hữu hiệu nhất là chủ động phòng bệnh bằng cách: Ngăn ngừa muỗi đẻ trứng bằng cách quản lý và điều chỉnh môi trường sinh sống của muỗi. Sử dụng các biện pháp bảo vệ cho cá nhân trong nhà như màng chắn cửa sổ, quần áo tay dài, vật liệu được tẩm chất diệt côn trùng...; đậy nắp, thay nước và làm sạch dụng cụ đựng nước sinh hoạt ít nhất hàng tuần; sử dụng các chất diệt côn trùng thích hợp cho các dụng cụ chứa nước ngoài trời.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm