Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017):

Sơn Lộc - Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi

Sơn Lộc - Người thương binh dân tộc Khmer làm kinh tế giỏi
Thương binh Sơn Lộc (người Khmer), ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chịu khó, giỏi làm kinh tế, là điển hình cho bà con Khmer trong phum sóc noi theo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Thương binh Sơn Lộc (người Khmer), ấp Sóc Mới, xã Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chịu khó, giỏi làm kinh tế, là điển hình cho bà con Khmer trong phum sóc noi theo. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Năm 1984, chàng thanh niên Sơn Lộc tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong lúc chiến đấu ở chiến trường K, ông bị trúng đạn của địch và con mắt trái đã vĩnh viễn mất đi không nhìn thấy gì.  Sau 3 năm trở về quê hương với bàn tay trắng, năm 1990, ông lập gia đình, cuộc sống khó khăn càng thêm cơ cực. Được sự động viên của vợ và bản lĩnh của người lính cụ Hồ, chàng thanh niên Sơn Lộc đã vượt qua những mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống. Tuy vợ chồng chỉ có 2 công ruộng (2.000m2), nhưng với bản tính hiền lành, chịu khó lại được tôi luyện trong chiến đấu, phẩm chất “bộ đội cụ Hồ” một lần nữa giúp đôi vơ chồng trẻ quyết tâm vượt qua đói nghèo.  Với 2 công đất ruộng, vợ chồng ông đã lên kế hoạch một công trồng màu, một công trồng lúa để ăn. Cây màu của ông trồng chủ yếu là bắp cải, hành lá, bí đao, dưa leo… để lấy ngắn nuôi dài; đồng thời, kết hợp với nuôi heo nái và heo thịt. Hàng năm, tiền tích lũy được vợ chồng ông đều mua thêm ruộng đất để mở rộng sản xuất. 
Năm 2016 vừa qua, thương binh Sơn Lộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Năm 2016 vừa qua, thương binh Sơn Lộc được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Ông Sơn Lộc cho biết: Những năm đầu lập gia đình, cuộc sống quá vất vả, cộng thêm thương tật trong người luôn phát sinh đau ốm, nhiều lúc muốn buông bỏ hết. Nhưng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh để mình được sống thì những khó khăn trước mắt chả có nghĩa lý gì. Từ những suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết tâm cố gắng làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Nhiều năm nay, vợ chồng ông Sơn Lộc luôn tất bật bên ruộng lúa, rẫy màu, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, ông cũng cố gắng tiết kiệm, tính toán phương thức làm kinh tế hộ gia đình, tích lũy vốn liếng, tái đầu tư cho sản xuất.  Nhờ vậy mà đến nay, gia đình ông Sơn Lộc đã có cơ ngơi khá giả, có của ăn của để và trong tay ông đã có 40 công đất ruộng (4ha). Cũng theo ông Lộc, nhờ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên công việc làm ăn cũng suôn sẻ.  Không chỉ là thương binh chịu khó, ông Sơn Lộc còn tích cực học hỏi, theo dõi thông tin, nắm bắt khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về trồng giống lúa cho năng suất và chất lượng cao. Từ đó, trong canh tác, ông Lộc luôn áp dụng những giống lúa mới, đạt năng suất cao, có giá trị kinh tế. Đồng thời, người thương bình Sơn Lộc cũng là người luôn giúp đỡ bà con xóm làng vượt khó vươn lên thoát nghèo bằng những hành động như hỗ trợ heo giống, giải quyết việc làm cho một sô bà con trong vùng…  Theo tính toán của người thương binh này thì, từ mấy hecta trồng lúa, 3 công trồng màu và chăn nuôi, sau khi trừ chi phí tất cả, gia đình ông còn lời trên 500 triệu đồng/năm. Năm 2016 vừa qua, thương binh Sơn Lộc được UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Trung Hiếu (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm