Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi

Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu và con người để phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đa ngành với nhiều loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao; trong đó, cây xoài được xác định là một trong những loại nông sản chủ lực, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 1Người dân ở xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu phân loại quả xoài sau khi thu hái. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Để giúp người dân thuận lợi trong quá trình sản xuất, những năm qua, tỉnh Sơn La đã xây dựng nhiều chuỗi liên kết trong cung ứng và tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, vào mỗi vụ thu hoạch người dân không còn phải lo lắng tìm đầu ra cho quả xoài.

Trước đây, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu là địa bàn đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân kém phát triển. Để xóa đói, giảm nghèo, huyện Thuận Châu đã triển khai hỗ trợ người dân chuyển đổi một phần diện tích đất dốc trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng xoài.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 2Người dân ở xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu thu hoạch quả xoài. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Từ chỗ chỉ biết trồng ngô, sắn, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, đến nay nhờ chuyển sang trồng xoài để phục vụ xuất khẩu cuộc sống của gia đình ông Lèo Văn Vuông ở xã Mường Khiêng đã khấm khá hơn.

Ông Vuông chia sẻ, gia đình hiện có hơn 2 ha trồng giống xoài tượng da xanh, trung bình mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 tấn quả. Quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được các doanh nghiệp, hợp tác xã đã liên kết đến hỗ trợ kĩ thuật. Đặc biệt, sản lượng xoài sau khi thu hái được bao tiêu toàn bộ, giúp gia đình ông và các hộ dân khác yên tâm gắn bó với cây xoài.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 3Người dân ở huyện Thuận Châu phân loại quả xoài tượng da xanh để bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Với mục tiêu hình thành chuỗi liên kết "4 nhà" gồm: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học, huyện Thuận Châu đã vận động người dân trồng xoài tham gia thành lập các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Từ đó, nhằm tạo sự thuận lợi trong quá trình chăm sóc cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Được thành lập từ năm 2017, Hợp tác xã nông nghiệp bản Bon, huyện Thuận Châu hiện có gần 80 thành viên tham gia. Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, hợp tác xã đã khảo sát, lựa chọn địa điểm, triển khai trồng hơn 100 ha xoài tượng da xanh; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua cây giống. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với cán bộ kỹ thuật của các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, tỉa hoa, bọc quả bằng túi giấy sinh học.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 4Người dân ở xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu thu hoạch quả xoài. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Cà Văn Yên, Giám đốc Hợp tác xã Bản Bon cho biết, để sản phẩm xoài quả to, mẫu mã đẹp, an toàn với người tiêu dùng, hợp tác xã thường xuyên nhắc nhở các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc an toàn theo đúng hướng dẫn. Sau khi được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP và cấp mã cấp mã số vùng trồng, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Khánh Thìn trong việc chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm xoài. Nhờ đó, xoài thu hoạch đến đâu thì được thu mua đến đó, giá cả cũng ổn định từ 8.000 đồng-10.000 đồng/kg.

Hiện nay, đối với các hộ dân và hợp tác xã đã liên kết với doanh nghiệp, việc thu mua, bao tiêu sản phẩm được thực hiện ngay tại vườn. Xoài sau khi thu hoạch được công ty cử công nhân tới tận nơi phân loại, đóng gói bước một. Sau khi vận chuyển tới nhà kho, xoài sẽ tiếp tục được phân loại, đóng gói bước 2, trước khi vận chuyển, xuất khẩu sang Trung Quốc.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 5Người dân ở huyện Thuận Châu phân loại quả xoài tượng da xanh để bán cho doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Khánh, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Khánh Thìn thông tin, năm 2023, công ty đã ký kết hợp đồng với đối tác Trung Quốc thu mua, xuất khẩu trên 1.000 tấn xoài tượng da xanh. Dự kiến, sản lượng thu mua xoài sẽ tăng lên trong các năm tiếp theo khi công ty tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết ra nhiều vùng trồng xoài trên địa bàn các huyện khác tại Sơn La.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 20.000 ha xoài, sản lượng ước đạt trên 70.000 tấn, với các giống xoài tròn, xoài tượng da xanh, xoài Thái Lan... tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mường La, Sông Mã, Thuận Châu. Thời vụ thu hoạch xoài bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch hàng năm.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 6Người dân ở xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu thu hoạch quả xoài tượng da xanh. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Với những bước đi vững chắc, phù hợp, các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp, hợp tác xã đã góp phần giúp người trồng xoài yên tâm khi đến mùa vụ thu hoạch. Đây cũng là cầu nối để đưa nông sản Sơn La không chỉ đến với thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường nước ngoài.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, đến nay, tỉnh Sơn La đã xây dựng được hơn 260 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Ngoài ra, 281 mã số vùng trồng đã được cấp phục vụ xuất khẩu qua các thị trường như Australia, NewZealand, Mỹ, Trung Quốc.

Sơn La trồng xoài theo chuỗi liên kết giúp khâu tiêu thụ thuận lợi ảnh 7Người dân phân loại, đóng gói quả xoài tượng da xanh. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Để đẩy mạnh hiệu quả các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ năm 2020 đến nay tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư mới cho 4 dự án; 2 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động. Hiện, tỉnh Sơn La đã hình thành một số cơ cơ sở sở chế, đóng gói, bảo quản có quy mô công nghiệp. Các cơ sở này đã góp phần quan trọng cho việc bảo quản, chế biến, tiêu thụ trên 90% sản lượng rau quả sản xuất ra trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản bền vững. Qua đó, giải quyết bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa cho người nông dân.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm