Sơn La tích cực phòng, chống dịch sởi bùng phát ở vùng sâu, vùng xa

Sơn La tích cực phòng, chống dịch sởi bùng phát ở vùng sâu, vùng xa
Chủ động phòng, chống bệnh sởi ở vùng cao Sơn La. Ảnh: TTXVN
Chủ động phòng, chống bệnh sởi ở vùng cao Sơn La. Ảnh: TTXVN

Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, các ca mắc sởi chủ yếu ở nhóm trẻ từ 1 – 4 tuổi, là con em đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các xã, bản thuộc vùng sâu, vùng xa. Do nhận thức của người dân về tiêm chủng còn hạn chế nên đa phần các ca mắc sởi không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ vắc xin.

Trước tình hình dịch sởi lây lan nhanh trên diện rộng, ngành Y tế tỉnh Sơn La đã tích cực chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Theo đó, giao cho Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Sơn La phối hợp với các cơ sở y tế, địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân về các nguy cơ mắc dịch bệnh sởi và lợi ích của việc tiêm chủng trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng,  cơ sở y tế; kịp thời cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch. Hiện, toàn tỉnh chưa có ca tử vong và ca bệnh nặng vì sởi phải chuyển tuyến.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Sơn La đã chủ động tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung, tiêm vét tại những vùng nguy cơ cao, vùng lõm tiêm chủng trên toàn tỉnh, để bảo đảm tiêm vắc xin sởi đầy đủ cho các trẻ từ 9 - 12 tháng tuổi và tiêm sởi mũi 2 cho các trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.

Theo bà Nguyễn Thị San - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Sơn La: Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt qua đường hô hấp nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với các trường hợp nghi mắc bệnh. Hiện đang là thời điểm tựu trường, dịch sởi càng có nguy cơ diễn biến phức tạp. Gia đình và nhà trường cần có kế hoạch bảo đảm vệ sinh cho trẻ như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn…

Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm khuyến cáo, khi gia đình và nhà trường phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Diệp Anh

Có thể bạn quan tâm