Sơn La: Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Sơn La: Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng phát triển kinh tế - xã hội
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Qua thảo luận, HĐND tỉnh Sơn La thống nhất nhận định: 6 tháng đầu năm 2019, địa phương ổn định về chính trị - xã hội, kinh tế phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các lĩnh vực xã hội có những chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư được tập trung chỉ đạo thực hiện. Quan hệ hợp tác quốc tế được duy trì và phát triển, mối quan hệ đặc biệt của tỉnh Sơn La với 9 tỉnh Bắc Lào được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần phải tập trung giải quyết trong các tháng cuối năm 2019, đó là: Kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm chưa đạt theo kịch bản tăng trưởng đề ra; chất lượng tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực chưa bền vững. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Sơn La 6 tháng chưa đạt dự toán HĐND, UBND tỉnh giao. Công tác đôn đốc, thu hồi các khoản nợ thuế còn hạn chế, tình trạng nợ thuế lớn, kéo dài chưa xử lý giải quyết triệt để, vẫn còn phát sinh nợ thuế mới. Công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn chưa được giải quyết triệt để…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Sơn La đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện trong những tháng cuối năm 2019. Đó là tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm các cân đối lớn phục vụ mục tiêu tăng trưởng. Tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu; tăng cường hiệu quả công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát huy hết công suất hiện có; phát triển thương mại - dịch vụ; tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sơn La tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; tăng cường quốc phòng - an ninh; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

6 tháng đầu năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La ước đạt 13.279 tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch, tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2018. Thu ngân sách nhà nước địa phương ước đạt 8.540 tỷ đồng, bằng 62% dự toán năm; trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 1.834 tỷ đồng, bằng 39,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 21.177 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm. Huy động vốn toàn xã hội ước đạt 6.843 tỷ đồng, bằng 40,3% kế hoạch năm, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực ngoài Nhà nước đạt 4.810 tỷ đồng, chiếm 70,3% và tăng 7,5%. Sơn La đã xuất khẩu được 10.646 tấn quả các loại vào thị trường các nước EU, Mỹ, Anh, Australia, Campuchia và Trung Quốc, chiếm 60,8% số lượng các loại quả xuất khẩu của cả năm 2018; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 81 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2018. 

Sáp nhập 362 bản, tiểu khu, tổ dân phố

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Sơn La cũng đã thống nhất ban hành 27 nghị quyết về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; trong đó, có Nghị quyết về việc sáp nhập và đặt tên, đổi tên bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh (đợt 3) và Nghị quyết thông qua một số nội dung chủ yếu của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019 – 2025”.

Đối với Nghị quyết về việc sáp nhập và đặt tên, đổi tên bản, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La (đợt 3), kỳ họp quyết định sáp nhập 362 bản, tiểu khu, tổ dân phố thành 169 bản, tiểu khu, tổ dân phố tại 49 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Cụ thể: Thành phố Sơn La, sáp nhập và đặt tên 25 bản, tổ dân phố thành 12 bản, tổ dân phố tại 4 xã, phường. Huyện Mai Sơn sáp nhập và đặt tên 63 bản thành 29 bản tại 11 xã. Huyện Mộc Châu sáp nhập và đặt tên 15 bản, tiểu khu thành 7 bản, tiểu khu tại 2 xã, trị trấn. Huyện Mường La sáp nhập và đặt tên 74 bản, tiểu khu thành 31 bản, tiểu khu tại 5 xã, thị trấn. Huyện Sốp Cộp sáp nhập và đặt tên 2 bản thành 1 bản tại 1 xã. Huyện Phù Yên sáp nhập và đặt tên 160 bản, khối phố thành 79 bản, tiểu khu tại 20 xã, thị trấn. Huyện Bắc Yên sáp nhập và đặt tên 23 bản thành 10 bản tại 6 xã. Ngoài ra, Nghị quyết này đổi tên 3 bản, khối phố tại 3 xã, thị trấn thuộc huyện Phù Yên.

Sau khi sáp nhập đợt 3, toàn tỉnh Sơn La giảm 193 bản, tiểu khu, tổ dân phố và còn lại 2.749 bản, tiểu khu, tổ dân phố. Trong đó: Thành phố Sơn La giảm 13 bản. Huyện Mai Sơn giảm 34 bản. Huyện Mộc Châu giảm 8 bản. Huyện Mường La giảm 43 bản. Huyện Sốp Cộp giảm 1 bản. Huyện Phù Yên giảm 81 bản. Huyện Bắc Yên giảm 13 bản.

Việc giảm 193 bản, tiểu khu, tổ dân phố tương ứng giảm khoảng 1.200 người hoạt động không chuyên trách, người hưởng mức hỗ trợ và 700 người đứng đầu các tổ chức ở bản, tiểu khu, tổ dân phố.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việc ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung chủ yếu của Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2019 - 2025” là hết sức cần thiết, bởi trong những năm gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Sơn La phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2018, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa là 2.391, với vốn đăng ký 15.710 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp quan trọng cho ngân sách tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế; các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được thực hiện đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp hoạt động còn khó khăn phải giải thể, ngừng hoạt động. Do đó, việc ban hành nghị quyết này sẽ khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời điểm hiện nay. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Theo nghị quyết, mục tiêu tổng quát là triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu sớm xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới hàng năm đạt từ 10% trở lên; đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 2.500 doanh nghiệp và đến năm 2025 có trên 3.000 doanh nghiệp. Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo việc làm mới cho trên 8.000 lao động; phấn đấu đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 85.000 lao động và giai đoạn 2021 - 2025 tạo việc làm mới cho trên 93.000 lao động.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Hoàng Văn Chất đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. UBND tỉnh tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 82/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Trong đó, UBND tỉnh cần tập trung nghiên cứu thị trường để định hướng phát triển nông nghiệp, phát triển cây ăn quả, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao xuất khẩu sang các thị trường. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ trung ương đến tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
      Nguyễn Cường

Có thể bạn quan tâm