Sơn La thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp

Giờ học tại Trường tiểu học Mường Khiêng 1, huyện Thuận Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Giờ học tại Trường tiểu học Mường Khiêng 1, huyện Thuận Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục Sơn La thiếu gần 3.000 giáo viên các bậc học. Điều này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học và gây ra nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.

Sơn La thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp ảnh 1Giờ học tại Trường tiểu học Mường Khiêng 1, huyện Thuận Châu. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Thuận Châu là một trong những huyện vùng cao của tỉnh Sơn La. Do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn nên ngành giáo dục phải bố trí nhiều điểm trường lẻ, lớp học cắm bản. Vì thế, việc đầu tư cơ sở vật chất bị dàn trải, số lượng giáo viên đứng lớp không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nhất là đối với bậc mầm non và tiểu học.

Tại Trường Tiểu học Mường Khiêng 1, hiện có 3 điểm trường lẻ và một điểm trường trung tâm. Do đặc thù phải bố trí nhiều điểm trường lẻ dẫn đến việc không tập trung giáo viên. Có những lớp chưa đảm bảo sĩ số học sinh nhưng vẫn phải bố trí đủ giáo viên đứng lớp, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên chung trong toàn trường.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Khiêng 1 cho biết, việc thiếu giáo viên ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường, đặc biệt là công tác giảng dạy chuyên môn. Khi có đủ giáo viên nhà trường sẽ có cơ hội nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như các hoạt động ngoại khóa. Nhà trường mong muốn được giao đủ biên chế để nâng cao chất lượng giảng dạy, hướng đến mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia trong thời gian tới.

Sơn La thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp ảnh 2Giờ học môn Tin học của học sinh Trường THCS Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Tại huyện Thuận Châu hiện có 84 trường học các cấp, thời gian qua thông qua việc triển khai chủ trương đưa học sinh điểm lẻ về điểm trường chính đã giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên. Tuy nhiên, chủ trương này khó thực hiện ở các trường học còn lại do địa bàn rộng, đòi hỏi phải có điểm trường lẻ.

Ông Lê Danh Dự, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu thông tin, hiện nay tỉ lệ giáo viên trên lớp còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Theo thống kê, số giáo viên thực tế so với định mức quy định còn thiếu khoảng 500 giáo viên mới đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 ngành vẫn phải thực hiện giảm 10% số người làm việc.

Tại tỉnh Sơn La, tình trạng thiếu giáo viên đã kéo dài nhiều năm qua nhưng chưa thể khắc phục. Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiếu giáo viên lại có xu hướng tăng lên bởi đòi hỏi số giáo viên/lớp cao hơn do yêu cầu phải học 2 buổi trên ngày.

Bà Hoàng Thị Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Bằng (huyện Mai Sơn) cho hay, hiện tại đội ngũ giáo viên của trường nếu tính đúng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn thiếu. Nhất là trong những năm tới, bậc tiểu học phải đưa môn tin học và ngoại ngữ thành môn học bắt buộc. Nên dẫn đến thiếu đội ngũ giáo viên của những môn chuyên ngành này. Ngoài ra, do các môn văn hóa cũng chưa đủ giáo viên, vì thế để đáp ứng định mức yêu cầu 1,5 giáo viên/lớp, trường vẫn thiếu 4-5 biên chế. Thời gian qua, nhà trường đã xây dựng đề án để đề xuất, bổ sung thêm giáo viên. Bên cạnh đó, thực hiện việc bồi dưỡng cho các giáo viên hiện có để đảm bảo chất lượng dạy học.

Hiện nay, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục Sơn La có hơn 22.000 người. Trong năm học 2021-2022 ngành thiếu hơn 2.940 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 1.946 người, tiểu học thiếu 661 người, trung học cơ sở và trung học phổ thông thiếu trên 330 người.

Theo đánh giá của ngành giáo dục, do thiếu giáo viên nên số giờ giảng dạy của nhiều giáo viên tăng cao hơn nhiều định mức, có giáo viên từ 25-28 tiết/tuần. Qua đó, đòi hỏi phải tìm giảng viên thỉnh giảng, hợp đồng giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Điều này dẫn đến khó khăn trong thanh toán kinh phí giảng dạy vượt định mức cũng như việc tìm giáo viên dạy thỉnh giảng. Ngoài ra, với việc dạy quá nhiều, giáo viên khó khăn trong việc dành thời gian nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của một số nơi khó nâng lên và tiến độ chương trình của một số môn học ở một số trường khó đảm bảo theo quy định.

Sơn La thiếu hàng nghìn giáo viên đứng lớp ảnh 3Giờ học của cô và trò trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Cầm Văn An cho biết, ngành tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục. Trong đó, lưu ý những đặc thù của ngành để quan tâm bổ sung giáo viên ngoại ngữ, tin học đảm bảo đủ tỉ lệ giáo viên/lớp. Qua đó, tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, ngành cũng đề nghị không đưa lĩnh vực giáo dục vào chỉ tiêu tỉ lệ tinh giản biên chế do tính chất đặc thù vừa đang thiếu quá nhiều giáo viên, nhiều điểm trường lẻ, phạm vi rộng, phân tán. Trong khi đó, các trường học phải thực hiện phương châm "có học sinh thì phải có giáo viên" để phòng, tránh tình trạng học sinh bỏ học.

Đồng thời, ngành tiếp tục triển khai việc rà soát, sắp xếp đội ngụ để thực hiện đào tạo, đào tạo lại giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đào tạo nâng chuẩn, văn bằng 2 cho giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy tích hợp liên môn theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm