Sơn La thả 200 nghìn con cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngày 26/10, tại khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc xã Song Pe, huyện Bắc Yên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La tổ chức lễ thả bổ sung cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2021.

Son La tha 200 nghin con ca giong tai tao nguon loi thuy san hinh anh 1 Khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình nằm ở huyện Bắc Yên có diện tích mặt nước hơn 3.115ha. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tại buổi lễ, các đại biểu đã thả hơn 200 nghìn con cá giống, chủ yếu là các loại cá mè, chép, trôi và cá lăng. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm bổ sung một số giống, loài thủy sản có giá trị khoa học và kinh tế đang bị suy giảm, góp phần tái tạo, đa dạng hóa nguồn lợi thủy sản trong các thủy vực tự nhiên trên địa tỉnh Sơn La. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác thủy sản an toàn, nhằm giữ cân bằng hệ sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho người dân vùng lòng hồ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên Trịnh Thị Phượng cho biết, trên địa bàn huyện có sông Đà chảy qua với chiều dài trên 72 km, diện tích mặt nước 3.115ha. Nhờ đó, đã và đang tạo sinh kế cho nhân dân các xã dọc sông, góp phần ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân, đặc biệt là việc khai thác, đánh bắt.

Son La tha 200 nghin con ca giong tai tao nguon loi thuy san hinh anh 2Các đại biểu thả cá giống xuống khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tuy nhiên, hàng năm trên địa bàn huyện, tại các vùng lòng hồ thủy điện và các sông, suối, hồ bị ảnh hưởng do thiên tai, mực nước có thời điểm xuống rất thấp. Ngoài ra, còn có một số phương pháp đánh bắt thủy sản không đúng quy định, môi trường bị ô nhiễm nên trong những năm gần đây sản lượng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện đã sụt giảm một cách đáng kể.

Để hoạt động thả bổ sung cá giống đạt hiệu quả, bảo vệ đàn cá giống thả bổ sung năm 2021 trên địa bàn, huyện đã yêu cầu cơ quan, đơn vị và người dân ở các xã dọc sông Đà chung tay bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Trước mắt tạm dừng các hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trong 30 ngày quanh khu vực thả giống với bán kính 10 km. Đồng thời, theo dõi, bảo vệ đàn cá giống, tránh tình trạng bị đánh bắt sau khi thả.

Tỉnh Sơn La có hơn 23.000 ha diện tích mặt nước, trong đó phần lớn thuộc lòng hồ thuộc thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển thủy sản, góp phần tạo sinh kế, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, những năm gần đây diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, mở rộng, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng được tăng lên. Nhờ đó, giá trị thu nhập từ nguồn lợi thủy sản ngày càng nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, hiện nay do nhu cầu tiêu thụ lớn đã tạo áp lực lên việc khai thác, đánh bắt thủy sản dẫn đến xuất hiện nhiều hình thức khai thác không đúng quy định và mang tính hủy diệt như: sử dụng xung điện, chất nổ, chất đốc hại và các loại vó bè có mắt lưới nhỏ để khai thác thủy sản một cách thiếu chọn lọc. Những việc làm này đã dẫn đến sản lượng thủy sản vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã sụt giảm một cách đáng kể; trong đó, một số loài thủy sản quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như cá anh vũ, cá lăng chấm, cá chiên… Vì vậy, hoạt động thả cá giống hàng năm nhằm bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên là việc làm hết sức thực tiễn và có ý nghĩa.

Hữu Quyết

Tin liên quan

Người dân huyện vùng cao Đà Bắc thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Những năm qua, mạng lưới giao dịch của Ngân hàng Chính sách tỉnh Hòa Bình được mở rộng về các địa phương, các điểm giao dịch đã về đến tận các thôn bản. Thủ tục hành chính tinh gọn giúp cho dòng vốn tín dụng ưu đãi đã đến được với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều hộ gia đình ở huyện vùng cao khó khăn Đà Bắc của tỉnh Hoà Bình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn, vươn lên thoát nghèo bền vững.


Hướng đi mới từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện ở huyện Tân Uyên

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đây là hướng đi mới của huyện miền núi Tân Uyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.



Đề xuất