Sơn La tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch

Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN phát
Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN phát

Sản xuất rau an toàn đang là một trong những hướng đi được các hợp tác xã ở tỉnh Sơn La lựa chọn làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản chất lượng rau sau thu hoạch đang được các hợp tác xã quan tâm.

Sơn La tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch ảnh 1Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TTXVN phát

Từ đó, các sản phẩm rau khi được đưa vào bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chị Trần Thị Thu Hằng ở tiểu khu Sao Đỏ 2, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) là một trong những người tiên phong đưa cây cà chua vào trồng trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ được tập huấn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn, từ khâu làm đất, chọn giống, đến chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, đã giúp vườn cà chua với diện tích 3.000m2 của gia đình chị đạt năng suất, chất lượng cao. Mỗi năm gia đình chị thu hơn 300 triệu đồng.

Chị Trần Thị Thu Hằng chia sẻ, gia đình chị sản xuất cà chua dưới nhà màng có ưu điểm là khả năng chống chịu sâu bệnh rất cao. Bởi vì nó không bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết, khí hậu, mưa bão. Cho nên cây cà chua ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh hại, quả cà chua cho sản phẩm chất lượng tốt.

Hiện nay, trên địa bàn xã Vân Hồ có 6 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác, với trên 50 thành viên xây dựng vùng rau chuyên canh có tổng diện tích hơn 27 ha. Nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng, nhiều hộ nông dân tại xã Vân Hồ đã chuyển đổi diện tích ruộng một vụ sang trồng các loại rau cho năng suất cao như: cà chua, bắp cải, su hào...

Ngoài việc phát triển các diện tích chuyên canh, các hợp tác xã đã cung ứng các loại cây giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, từ khâu chọn giống đến chăm sóc và thu hoạch. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rau.

Năm 2019, gia đình chị Lò Thị Oanh ở xã Vân Hồ đầu tư nhà màng với diện tích 600m2 để trồng rau chất lượng cao. Rau được trồng trong nhà màng với nhiều ưu thế vượt trội như: đảm bảo độ ẩm, ánh sáng phù hợp với điều kiện khí hậu ở địa phương.

Cùng với đó, nhà màng được lắp đặt thêm hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương… Nhờ đó, cây trồng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại. Hiện nay, gia đình chị đang tập trung sản xuất các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: xà lách, cà chua beef, cà chua cherry, ớt chuông… Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP, các sản phẩm rau của gia đình chị luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Lò Thị Oanh thông tin, khi sản xuất rau trong nhà lưới được các cán bộ hướng dẫn tỷ mỷ và có nhiều thuận lợi hơn sản xuất bên ngoài, đó là có hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun sương. So với sản xuất bên ngoài, sản lượng rau trồng trong nhà lưới có giá trị kinh tế cao hơn.

Chủ tịch UBND xã Vân Hồ Đặng Phi Hùng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo đất đai, xây dựng nhà màng để các sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn. Xã cũng đã chỉ đạo các bản, tiểu khu phát triển cây rau trên các nương rẫy có địa hình tương đối bằng phẳng và không phải cải tạo lớn.

Tỉnh Sơn La hiện có trên 11.000 ha trồng rau các loại với sản lượng đạt gần 160.000 tấn mỗi năm. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học trong sản xuất, công tác bảo quản sau thu hoạch và vận chuyển đi các địa phương để tiêu thụ đã được các hợp tác xã, doanh nghiệp quan tâm.

Đặc biệt, nhờ Dự án “Chuỗi cung ứng lạnh có vai trò thiết yếu để nhân rộng sản xuất rau an toàn ở Sơn La” do Chính phủ Úc tài trợ để hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng lạnh, chuyển giao công nghệ điều chỉnh nhiệt độ lạnh cải tiến CoolBot cho một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã và đang góp phần cung cấp rau an toàn chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, giảm hao hụt trong quá trình bảo quản.

Hợp tác xã Nông Xanh huyện Mộc Châu trước đây để có một xe tải đủ mặt hàng rau, củ mang đi Hà Nội phải mất vài ngày mới gom đủ chuyến. Vì thế tình trạng rau, củ bị héo và hỏng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng từ năm 2021, sau khi được hỗ trợ xây dựng kho lạnh 30m3 từ dự án chuỗi cung ứng lạnh đã khắc phục được tình trạng rau, củ bị héo, hỏng.

Giám đốc Hợp tác xã Nông Xanh Lưu Tùng Định bôc bạch, từ khi đơn vị có kho lạnh, sau khi buổi sáng thu hoạch rau về thì cho vào kho làm mát để gần chiều sơ chế cho vào sọt, thùng giấy, thùng xốp, vận chuyển đi các nơi. Làm như vậy, nhiệt độ tương đối ổn định, giúp rau tươi hơn và tỷ lệ hao hụt ít.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản rau trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và phát triển sản phẩm rau an toàn theo hướng bền vững.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm