Sơn La tăng cường phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp

Đường lây truyền sán từ động vật sang người.Nguồn: suckhoedoisong.vn
Đường lây truyền sán từ động vật sang người.Nguồn: suckhoedoisong.vn

Nhằm làm giảm sự lây nhiễm các bệnh ký sinh trùng ở người, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2021-2025.

Sơn La tăng cường phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp ảnh 1Đường lây truyền sán từ động vật sang người.Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mục tiêu của kế hoạch là giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh tật do bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người gây nên tại các vùng dịch tễ; giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun truyền qua đất; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp.

Các chỉ tiêu đặt ra là xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng thường gặp. Mỗi năm giảm 5% tỷ lệ nhiễm giun truyền qua đất tại các vùng dịch tễ để đến năm 2025 giảm 20% so với hiện tại; các bệnh giun sán thường gặp khác được phát hiện và xử lý kịp thời; điều trị 100% cho người được chẩn đoán nhiễm các loại giun sán; tẩy giun 1-2 lần/năm cho các đối tượng ưu tiên; trên 50% người dân tại các vùng dịch tễ được tiếp cận với các thông tin tuyên truyền phòng, chống các bệnh ký sinh trùng; 100% các trạm y tế xã, phường tại các vùng dịch tễ bệnh tiến hành được các hoạt động phòng, chống bệnh giun truyền qua đất, bệnh sán lá gan lớn, bệnh giun sán truyền qua thức ăn và báo cáo kết quả thực hiện; 100% cán bộ ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được đào tạo về phòng; chống bệnh ký sinh trùng. Đối tượng thực hiện là trẻ em lứa tuổi từ 24-60 tháng tuổi; lứa tuổi học sinh tiểu học từ 6-11 tuổi; phụ nữ độ tuổi sinh sản từ 15-45 tuổi...

Sơn La là tỉnh miền núi, có độ cao trung bình 600-700 m so với mực nước biển, địa hình bị chia cắt và tạo thành các vùng sinh thái. Với sinh địa cảnh của Sơn La luôn là môi trường thuận lợi cho bệnh ký sinh trùng ký sinh ở người phát triển và lưu hành. Bệnh ký sinh trùng thường gặp có một số đặc điểm giống nhau về đường lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ nên được chia theo nhóm bệnh như: Bệnh giun truyền qua đất bao gồm giun đũa, giun tóc, giun móc. Bệnh sán lá truyền qua thức ăn như sán lá gan, sán lá phổi, sán lá ruột. Bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn; bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo; bệnh ấu trùng giun đầu gai; bệnh giun lươn, giun xoắn...

Năm 2020, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương phối họp với ngành Y tế Sơn La điều tra tỷ lệ nhiễm giun sán cho học sinh tiểu học tại 4 điểm trường thì tỷ lệ nhiễm giun chung 12,3%, giun tóc 9,01%, giun kim 1,64%, giun đũa 1,22%, sán 0,4%...

Mặc dù công tác phòng, chống bệnh ký sinh trùng tại Sơn La đã được quan tâm, tuy nhiên chưa mang tính tổng thể, toàn diện chỉ mới tập trung vào hoạt động tẩy giun tại cộng đồng kết hợp với hoạt động phòng, chống suy dinh dưỡng. Hoạt động điều trị chủ yếu tại các cơ sở y tế khi người bệnh đến khám được phát hiện hoặc có các tổn thương của cơ quan phủ tạng, do người dân tự mua thuốc tẩy giun...

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm