Sơn La phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Ngày 19/9, Tỉnh ủy Sơn La tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chương trình số 12-CTr/TU ngày 2/8/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; sơ kết 1 năm thực hiện Kết luận số 94-KL/TU ngày 23/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Sơn La phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Sơn La là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch cả về tự nhiên và văn hóa; có vị trí du lịch quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch quốc gia từ Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc. Với những điều kiện thuận lợi này, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, du lịch Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Du lịch Sơn La đã được bạn bè, du khách trong nước và quốc tế biết đến; lượng khách du lịch đến đây ngày một tăng. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã và đang được định hình. Tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch đến Sơn La ước đạt hơn 10%/năm. Giai đoạn 2017-2021, Sơn La đã đón trên 8,6 triệu khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.300 tỷ đồng.

Cùng đó, Sơn La đã xây dựng được nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng. Hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, các tuyến giao thông kết nối giữa nhiều khu, điểm du lịch từng bước được cải tạo, nâng cấp. Các đơn vị, địa phương đã chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn với dịch COVID -19 nên lượng khách du lịch đến Sơn La tăng mạnh sau khi dịch được kiểm soát. Tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2022, lượt khách du lịch đến Sơn La đạt 2,2 triệu lượt người; tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân; đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Tuy nhiên, phát triển du lịch ở Sơn La vẫn chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thường xuyên. Nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch còn thiếu và yếu. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa cao. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn có những hạn chế nhất định, dẫn đến việc có những quy hoạch mới được lập đã phải điều chỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế...

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng lưu ý, các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2022-2026; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao nâng lực cạnh tranh.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cũng lưu ý, các đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện dự án, đề án về du lịch đã được phê duyệt, nhất là hoàn thiện các điều kiện để công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trước năm 2025; đưa vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La vào quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các bên liên quan kêu gọi sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, xây dựng các khu, điểm du lịch, bản du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Các đơn vị, địa phương cũng cần tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; củng cố, hỗ trợ phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp và quan hệ gắn kết cộng đồng đa dạng tại nông thôn; đẩy lùi hủ tục, văn hóa ngoại lai; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch Sơn La để phát triển thị trường du lịch trong và ngoài nước...

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm