Sơn La: Người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao

Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN
Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Những năm gần đây, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai và áp dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại vào khám chữa bệnh. Nhờ đó, người dân khi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế cũng được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật tiên tiến, giảm chi phí điều trị.

Sơn La: Người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ảnh 1Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhân phẫu thuật sọ não tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu là một trong những cơ sở y tế đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp điều trị kỹ thuật cao vào khám chữa bệnh. Trong những năm qua, nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai như phẫu thuật sọ não cấp cứu, thay khớp háng, thay khớp gối, điều trị đột quỵ, hỗ trợ sinh sản… Nhờ đó, khi xảy ra các ca bệnh cần cấp cứu, bệnh nhân không còn phải di chuyển hàng trăm ki-lô-mét về Hà Nội mà có thể được xử lý ngay tại tuyến huyện. Cùng với đó, trong quá trình điều trị, bệnh nhân còn được bảo hiểm y tế hỗ trợ với tỷ lệ rất cao giúp cho người dân giảm bớt khó khăn về chi phí điều trị.

Chị Vì Thị Thúy, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu cho biết, mẹ của chị không may bị tai nạn lao động dẫn đến chấn thương sọ não. Sau đó, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã phẫu thuật sọ não cho mẹ của chị. Đến nay, sức khỏe của mẹ chị Thúy đã dần hồi phục, bắt đầu tập đi lại. Trong quá trình điều trị, chi phí phẫu thuật cho ca bệnh của mẹ chị là hơn 20 triệu đồng, nhưng nhờ có thẻ bảo hiểm y tế nên gia đình chỉ phải thanh toán một phần nhỏ. Qua đó chị Thúy thấy việc tham gia bảo hiểm y tế đã mang lại lợi ích thiết thực, góp phần giảm gánh nặng về chi phí cho những hộ nghèo như gia đình chị.

Tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, trước đây, trung bình một năm chỉ phẫu thuật khoảng 1.000 ca, thì đến nay đã phẫu thuật khoảng 3.000 ca/năm. Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho hàng chục ca bệnh nặng như chấn thương sọ não, đột quỵ. Cùng với đó, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm đạt gần 180%.

Bác sĩ chuyên khoa II Vi Hồng Kỳ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu cho biết: Với việc triển khai được các dịch vụ kỹ thuật cao thì người dân được hưởng dịch vụ kỹ thuật ngay tại địa phương và hạn chế được việc chuyển tuyến lên tuyến trên. Đây cũng là một trong những vấn đề được Bộ Y tế giao nhiệm vụ đó là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở để giảm sự quá tải cho tuyến trên. Ngoài ra, đối với bác sĩ khi triển khai dịch vụ kỹ thuật cao tại địa phương, họ sẽ phát huy được khả năng và gắn bó, cống hiến với bệnh viện địa phương. Đặc biệt, những dịch vụ kỹ thuật cao hiện nay phần lớn đã được bảo hiểm y tế thanh toán, vì vậy người dân đến khám không còn phải chi trả nhiều tiền.

Sơn La: Người dân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao ảnh 2Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Còn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La là bệnh viện đa khoa hạng II thuộc tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh có quy mô 500 giường bệnh, với tổng số 33 khoa phòng. Tại đây, nhiều kỹ thuật mới đã được áp dụng như kỹ thuật tiêu sợi huyết và kỹ thuật lọc máu liên tục.

Đối với kỹ thuật tiêu sợi huyết, được áp dụng khi cần cấp cứu khẩn cấp cho các trường hợp tai biến mạch máu não, đột quỵ não. Còn đối với kỹ thuật lọc máu liên tục là phương thức điều trị nhằm lọc ra khỏi máu các chất độc, dịch và điện giải một cách liên tục và chậm rãi. Kỹ thuật này được áp dụng dành cho các bệnh nhân suy đa phủ tạng, suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy gan cấp, suy tim kháng trị, viêm tụy cấp, ngộ độc nặng.

Thạc sỹ, Bác sỹ Mè Thị Xuân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cho biết: Hai kỹ thuật mới của khoa hiện tại đều được bảo hiểm chi trả. Đặc biệt là kỹ thuật lọc máu liên tục, chi phí cho một lần lọc kéo giờ dài 24 giờ của bệnh nhân lên đến gần 20 triệu đồng. Vì vậy, khi bệnh nhân điều trị các kỹ thuật này sẽ được bảo hiểm thanh toán chi phí. Qua đó, đã giúp các bệnh nhân là đồng bào dân tộc, hoàn cảnh khó khăn tiết kiệm được chi phí khi phải nằm viện.

Hiện nay, toàn tỉnh Sơn La có trên 1,2 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế, tương đương với 96% dân số. Tỉnh Sơn La có hệ thống 8 bệnh viện và chuyên khoa tuyến tỉnh, 11 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và 1 phòng khám đa khoa khu vực với tổng số 3.700 giường bệnh. Những năm gần đây, năng lực cung ứng dịch vụ y tế của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được cải thiện đáng kể, nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến được triển khai hiệu quả giúp kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch, giảm tải cho tuyến Trung ương.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết: Ngành y tế Sơn La đang nỗ lực nâng cao nhận thức của lãnh đạo các đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ kế thừa, nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ. Cùng với đó, đẩy mạnh chính sách khuyến khích bác sỹ, dược sỹ về công tác tại tỉnh Sơn La giai đoạn 2020 -2025 theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh nhằm thu hút các nguồn lực có trình độ cao, chuyên khoa sâu về tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, ngành y tế Sơn La tiếp tục duy trì thực hiện hiệu quả đề án bệnh viện vệ tinh, triển khai thực hiện tốt các gói kỹ thuật đã được chuyển giao từ các Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra, tận dụng sự hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa của tuyến trên giúp nâng cao năng lực khám, chữa bệnh của hệ thống y tế cơ sở, giúp người dân nói chung, người dân có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng được hưởng dịch vụ chất lượng cao tuyến trung ương ngay tại cơ sở.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm