Sơn La gắn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với xây dựng nông thôn mới

Sơn La gắn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với xây dựng nông thôn mới

Qua 3 năm thực hiện từ 2018 - 2020, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa rộng khắp các địa phương tại tỉnh Sơn La, với nhiều sản phẩm đạt hạng 4 sao và 3 sao. Thông qua những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng này đã từng bước góp phần nâng cao hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La đã khai thác những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từ đó phát triển sản phẩm mang thương hiệu OCOP; trong đó phải kể đến các sản phẩm cà phê của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao ở thành phố Sơn La. Các sản phẩm này đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao năm 2019 và là một trong những thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2020. Sản phẩm cà phê Bích Thao đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia.

Sơn La gắn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với xây dựng nông thôn mới  ảnh 1Thành viên HTX cà phê Bích Thao Sơn La giới thiệu sản phẩm OCOP. Ảnh: baosonla.org.vn

Ông Nguyễn Xuân Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cà phê Bích Thao chia sẻ, sản phẩm cà phê của hợp tác xã bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang và cà phê bột. Nước cà phê có màu nâu cánh gián, trong và có vị chua thanh, đắng nhẹ. Yếu tố này tạo nên hương vị đặc trưng của cà phê Sơn La được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng, sử dụng.

Hiện, Hợp tác xã Cà phê Bích Thao đang liên kết với các hộ dân để sản xuất cà phê. Đây là một điểm nhấn quan trọng để thành công. Ông Nguyễn Xuân Thao cho biết, hợp tác xã liên kết với các hộ trồng cà phê để tạo điều kiện tăng thêm thu nhập và việc làm cho những hộ có 1 - 2 ha cà phê. Người dân tự trồng, tự chế biến nhưng theo quy trình kiểm soát của hợp tác xã; đồng thời, hợp tác xã có trách nhiệm thu mua sản phẩm cà phê chất lượng cao của các hộ thành viên.

Với việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp qua chú trọng phát triển ngay từ khâu sản xuất đến chế biến nâng cao các dòng sản phẩm cà phê, doanh thu của Hợp tác xã Cà phê Bích Thao tăng trưởng hàng năm, trung bình đạt trên 40 tỷ đồng/năm. Việc hợp tác xã nỗ lực xây dựng thương hiệu, đảm bảo các điều kiện để bình xét công nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia đã thể hiện tư duy sản xuất nông nghiệp bài bản và khát vọng khẳng định thương hiệu, chất lượng cà phê miền núi Sơn La.

Giống cây cà phê, người tiêu dùng cũng đã biết đến đặc sản tỏi tía nổi tiếng của huyện Phù Yên. Sản phẩm này đã được tỉnh Sơn La công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Về phía huyện Phù Yên cũng đã thành lập Tổ hợp tác Sản xuất và Kinh doanh tỏi để xây dựng thương hiệu sản phẩm này.

Để đưa ra thị trường những sản phẩm tỏi chất lượng, Tổ hợp tác Sản xuất và Kinh doanh tỏi Phù Yên đã tuân thủ theo quy trình an toàn từ khâu lựa chọn giống, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Những củ tỏi khi thu hoạch đảm bảo củ chắc, không sâu, không thối, sau đó sơ chế, phơi khô rồi đóng vào các túi lưới. Nhờ đó, thương hiệu tỏi Phù Yên đang ghi dấu ấn với người tiêu dùng.

Chị Hà Thị Chưng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh tỏi Phù Yên chia sẻ, bản thân chị là cán bộ khuyến nông nên luôn ý thức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ thành viên về kỹ thuật, cách chăm sóc tỏi để đến khi thu hoạch không bị óp, đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Huyện Phù Yên hiện có hơn 6.000 ha đất nông nghiệp; trong đó, nhiều tiểu vùng có điều kiện phát triển tỏi tía chất lượng cao như các xã Tường Phù, Tường Thượng và Gia Phù.

Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đào Văn Nguyên cho biết, huyện đã xác định vận dụng một số cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương cũng như sự hỗ trợ của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng để cùng người dân phát triển sản xuất, kinh doanh cây tỏi. Hiện nay, huyện đã quy hoạch vùng thâm canh trồng tỏi, với quy mô hơn 100 ha.

Là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, với những tiểu vùng khí hậu khác nhau nên Sơn La có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc hữu gắn với văn hóa giàu bản sắc của các dân tộc trên địa bàn. Để triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm đầu tiên và tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, tỉnh tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Mặt khác, tỉnh Sơn La đã thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Những năm qua, Sơn La coi sản phẩm OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng, góp phần xây dựng dựng nông thôn mới bền vững.

Đến nay, qua 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, UBND tỉnh Sơn La đã xếp hạng, cấp giấy chứng nhận cho 85 sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 29 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao và 56 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.

Các loại hình sản xuất ở nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Sơn La theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, qua đó nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Theo bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Sơn La, Chương trình OCOP đã tạo ra một lượng hàng hóa đáng kể. Các sản phẩm ngày càng được đa dạng và nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng.

Đến năm 2025, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục phát triển mỗi xã một sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP có vị trí quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặc biệt với thị trường trong nước và quốc tế.

Sơn La sẽ tập trung phát triển các sản phẩm phù hợp, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương; tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng. Cùng với đó tỉnh xây dựng và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất tham gia đầu tư sản xuất các sản phẩm trên địa bàn.

Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La có thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; 100 - 300 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Nguyễn Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm