Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số

Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân, huyện Vân Hồ trò chuyện với các học sinh về giáo dục giới tính trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN
Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân, huyện Vân Hồ trò chuyện với các học sinh về giáo dục giới tính trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Tỉnh Sơn La đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục giới tính cho học sinh bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông, góp phần giúp các em nhận thức được những tác hại của việc mất cân bằng giới tính, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và phòng tránh xâm hại tình dục.

Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 1Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân, huyện Vân Hồ trò chuyện với các học sinh về giáo dục giới tính trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Vân Hồ là huyện vùng cao, với trên 80% học sinh là người dân tộc thiểu số. Từ năm học 2018 -2019 đến nay, huyện có 20 cặp học sinh trong độ tuổi 13-16 bỏ học để kết hôn. Thời gian gần đây, tuy tình trạng tảo hôn đã giảm nhưng số học sinh bỏ học để kết hôn vẫn còn. Nguyên nhân là do các em chưa hiểu về hệ lụy của tảo hôn. Trong khi đó, gia đình muốn có thêm lao động nên không ngăn chặn việc các em kết hôn sớm, còn nặng nề tư tưởng có con trai để nối dõi. Cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ, chưa đủ tuổi thành niên thường rất khó khăn do phụ thuộc gia đình, không có kinh nghiệm chăm sóc con nhỏ.

Trước thực tế trên, công tác giáo dục giới tính cho học sinh bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông đã và đang được các cơ quan, đoàn thể trong huyện tích cực triển khai thông qua nhiều hình thức. Từ đó, giúp các em hiểu biết để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển thể chất cũng như có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống và xây dựng tình bạn trong sáng ở học đường.

Ông Vũ Đại Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Tân Xuân, huyện Vân Hồ cho biết, trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện để các em tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế. Vì vậy, ngoài tích hợp giáo dục giới tính vào các môn học chính khóa, trường còn tổ chức các buổi ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, giáo dục bình đẳng giới, phòng tránh xâm hại tình dục cho các em. Hàng năm, huyện tổ chức ký cam kết xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, giảm tỷ lệ tảo hôn, nhất là với trẻ em gái từ 14 đến dưới 18 tuổi.

Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 2Một giờ học về giới tính, kỹ năng sống của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Xuân, huyện Vân Hồ. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Theo ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, thực hiện giáo dục giới tính từ sớm cho học sinh, những năm qua, Phòng đã phối hợp với các cơ quan liên quan, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính cho học sinh; đồng thời chỉ đạo trong một năm học, mỗi trường tổ chức từ 6-7 cuộc ngoại khóa về chủ đề này; lồng ghép nội dung hướng dẫn cách nhận biết và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, trong đó có phòng tránh xâm hại tình dục.

Còn tại huyện Mộc Châu, do trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận người dân về giới tính còn hạn chế, dẫn đến tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến về giảm thiểu mất cân bằng giới tính gặp không ít khó khăn. Ngành Giáo dục huyện đã tổ chức, duy trì hoạt động của câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” tại các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.

Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 3Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ phát tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho học sinh. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Em Lường Thị Nga, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Lóng Sập, huyện Mộc Châu chia sẻ, em đã tham gia Câu lạc bộ về kỹ năng sống, giáo dục giới tính của trường, được trang bị các biện pháp, kỹ năng tự bảo vệ. Từ những kiến thức tiếp thu được, em tuyên truyền đến bạn bè để biết cách tự bảo vệ bản thân.

Chị Trần Thị Thủy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Lóng Sập thông tin, nhà trường thường xuyên quan tâm đến học sinh ở những giờ trực bán trú vào buổi chiều, buổi tối. Ở độ tuổi của các em, nhất là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa việc chú trọng giáo dục giới tính là rất cần thiết. Qua đó, giúp các em không chỉ biết để phòng tránh cho mình, mà còn tuyên truyền cho các bạn cùng phòng, ở trường và khi về nhà.

Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 4Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lóng Sập, huyện Mộc Châu trao đổi kiến thức về giới tính cho học sinh ở bán trú. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Sơn La hiện có gần 398 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 100 vụ xâm hại trẻ em, trong đó 80% là xâm hại tình dục. Việc giáo dục giới tính nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, giúp học sinh có kiến thức về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đang được ngành giáo dục đẩy mạnh thực hiện.

Triển khai Đề án “Tăng cường tư vấn cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên”, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền lồng ghép các nội dung giáo dục giới tính, bình đẳng giới vào các môn học của các trường Trung học Phổ thông, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của việc mang thai ở tuổi vị thành niên.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La Quàng Văn Lâm cho rằng công tác triển khai nội dung giáo dục sức khỏe giới tính trong trường học vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập như một số cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn coi đây là vấn đề nhạy cảm. Vì thế, việc giáo dục, tuyên truyền, tiếp cận giáo dục giới tính còn chưa sâu, chưa hiệu quả. Cùng với đó, do xu thế phát triển của xã hội, công tác định hướng trong tiếp cận, sàng lọc thông tin của thanh, thiếu niên đã được quan tâm nhưng chưa đầy đủ, dễ khiến các em có những cách hiểu và đưa ra những quyết định, những hành động thiếu đúng đắn về giới tính. Đặc biệt, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận, cập nhật thông tin chưa nhiều; việc giáo dục giới tính cho học sinh càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Sơn La đa dạng hóa các hình thức giáo dục giới tính cho học sinh dân tộc thiểu số ảnh 5Các trường học ở Sơn La thường ở địa bàn vùng cao, với đa phần là học sinh dân tộc thiểu số nên kiến thức về giáo dục giới tính còn hạn chế. Ảnh: Hữu Quyết – TTXVN

Ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường phối hợp với các ngành, các đơn vị, đổi mới cách thức tổ chức các chương trình, hoạt động ngoại khóa về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu để phổ biến, tuyên truyền cho học sinh, sinh viên với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ tư vấn tâm tư vấn lý học đường trong các cơ sở giáo dục, đồng hành cùng học sinh khi các em gặp những khó khăn, vướng mắc trong đời sống, học tập.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm