Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Một góc thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN
Một góc thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Ngày 5/10, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2022.

Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Một góc thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 trên địa bàn là gần 243 tỷ đồng; trong đó, vốn phân bổ chính thức trên 233 tỷ đồng, vốn chưa phân bổ gần 10 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn tín dụng, tỉnh được giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ (về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025) với tổng số tiền 56 tỷ đồng.

Từ thực tiễn triển khai Chương trình trên địa bàn, toàn tỉnh phấn đấu đến ngày 31/12/2022 giải ngân vốn Trung ương gần 162,9 tỷ đồng, đạt 78,17%; ngân sách địa phương và vốn huy động giải ngân trên 27,4 tỷ đồng, đạt 79,21% so với kế hoạch vốn năm.

Sóc Trăng tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 2Gia đình anh Kiêm Thanh Sang, dân tộc Khmer, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề vay vốn chương trình hộ cận nghèo để đầu tư làm nghề nhôm dân dụng, gia đình có việc làm và thu hút 8 lao động trong xã. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Theo ông Lý Rotha, trong quá trình triển khai Chương trình, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều văn bản quy định cơ chế, hướng dẫn của Trung ương không quy định định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất của Dự án 1 và không quy định về định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 của Dự án 3); chưa có văn bản quy định định mức hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Đồng thời, tỉnh chưa ban hành văn bản quy định định mức bình quân diện tích đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất; chưa ban hành quy định phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách các hộ hỗ trợ đất, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán và danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ các nội dung trên; chưa ban hành các văn bản quy định trong tổ chức thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù...

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Diễm Ngọc giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Dân tộc, các ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai tích cực, quyết liệt các giải pháp giải ngân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chuyên môn, cơ quan thẩm định khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục báo cáo kinh tế, kỹ thuật theo quy định đối với 3 công trình nước sinh hoạt tập trung (tại xã Kế Thành, xã Lâm Tân và xã Mỹ Thuận) trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục trong thời gian sớm nhất, gửi về Ban Dân tộc tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp chuyên đề tiếp theo trong tháng 10/2022 để kịp thời giải ngân theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất, để làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất trên địa bàn theo quy định. Ban Dân tộc liên hệ với Sở Tư pháp để được tư vấn về quy trình UBND tỉnh phân cấp, ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách các đối tượng hưởng thụ; trên cơ sở đó, tham mưu UBND tỉnh theo đúng quy định. Các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các hướng giải quyết trong thẩm quyền, những trường hợp vượt quá khả năng cần có báo cáo về UBND tỉnh để phối hợp giải quyết.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm