Sóc Trăng: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Sóc Trăng: Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Hiện Sóc Trăng đã bước vào mùa mưa, ẩm và đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, ho gà… Thời gian gần đây, số ca mắc liên tục tăng cao, bên cạnh đó, dù dịch COVID-19 đã được khống chế, kiểm soát nhưng biến thể phụ của Omicron đã xâm nhập vào nước ta, có thể lây lan nhanh, làm gia tăng dịch bệnh trở lại. Do đó, ngày 17/7, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã ký Công văn số 728-CV/TU, chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Công văn nêu rõ, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc trăng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, ngành y tế và các cơ quan có liên quan cần tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại dịch bệnh; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, ho gà… Các bên liên quan chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và nơi có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao. Các cơ quan chức năng cần đề cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là; thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị.

Ngành y tế triển khai quyết liệt các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, ho gà… Trong đó, ngành tập trung tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, loại bỏ các loại vật dụng phế thải có chứa nước đọng; tổ chức phân tuyến, chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện việc thu dung, điều trị, cấp cứu cho người mắc bệnh. Ngành y tế cũng cần tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong; đảm bảo đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch và khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường đầu tư, bố trí ngân sách cho y tế dự phòng, y tế cơ sở...

Ngoài phòng, chống dịch bệnh thông thường, các cấp, ngành, địa phương cũng phải chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Các bên liên qua phát động chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đi đầu, gương mẫu trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời về việc triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế gắn với tuyên truyền về ảnh hưởng của biến chủng mới BA.5 của SARS-CoV-2 và tác dụng của tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm