Sóc Trăng tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Sóc Trăng tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu
Đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú trồng hẹ bông trên chân ruộng cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đồng bào Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú trồng hẹ bông trên chân ruộng cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi Ngay từ thời điểm 2 năm trước, mùa khô 2015-2016, hạn mặn lịch sử đã khiến ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thiệt hại nặng nề với hơn 31.000 ha lúa, rau, màu cây ăn trái bị thiệt hại với tổng trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Trước những thiệt hại nặng do hạn mặn gây ra, Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch ứng phó và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng giảm diện tích lúa, nhất là, lúa vụ 3 (Đông Xuân muộn). Đồng thời, chuyển đổi một phần diện tích đất lúa không hiệu quả, lúa gò cao dễ bị ảnh hưởng do hạn và mặn xâm nhập gây thiệt hại sang trồng các loại cây ăn quả, cây rau màu... Ngành nông nghiệp Sóc Trăng ngay từ đầu năm cũng đã có kế hoạch cụ thể để chủ động ứng phó với hạn mặn; trong đó, chủ động nạo vét kênh mương nội đồng, tích trữ nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho lúa và hoa màu, cây ăn trái, khuyến khích bà nông dân trồng cây trồng phù hợp và chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. 
Nông dân Mỹ Tú trồng rau Tần ô trên bờ bao cho thu nhập cao. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
 Nông dân Mỹ Tú trồng rau Tần ô trên bờ bao cho thu nhập cao.
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Với cây lúa, tỉnh khuyến khích bà con chọn giống lúa chịu hạn, mặn để gieo trồng; chuyển hoặc chuyển đổi một phần từ trồng lúa sang canh tác loại cây trồng khác để có hiệu quả kinh tế cao hơn mà vẫn thân thiện với môi trường, kết hợp tưới tiêu hợp lý để tiết kiệm nước trong mùa khô. Đối với cây mía, ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung ("thủ phủ" trồng mái của Sóc Trăng) cho biết, năm nay dù không bị mặn xâm nhập ảnh hưởng đến mía nhưng thời tiết cũng bất lợi, cái nắng, cái gió nó cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất mía, kể cả rau màu của bà con. Giá mía liên tục thấp trong những năm gần đây nên huyện đã chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng, cây mía sẽ giảm dần diện tích để thay thế các cây trồng khác. Kế hoạch trong năm 2018 này, huyện sẽ giảm 1.000 ha mía để trồng cây ăn trái như xoài, nhãn, dừa, nuôi thủy sản… Còn theo ông Trần Vĩnh Nghi, Phó Chi Cục trưởng chi cục trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2018-2020, Sóc Trăng có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa khoảng 7.300 ha; trong đó, cây hàng năm là gần 4.000 ha và cây lâu năm khoảng 1.670 ha, còn lại là nuôi trồng các loại cây rau màu khác. Tỉnh khuyến khích nông dân tích cực trồng các loại cây rau màu. Từ đầu năm đến nay, nông dân toàn tỉnh đã trồng được hơn 1.650 ha rau màu, chủ yếu là các loại như dưa hấu, khoai lang, đậu, bắp. Trong chăn nuôi, tỉnh phát triển mạnh đàn bò thịt và bò sữa ở vùng nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.200 ha đất trồng cỏ để chăn nuôi bò, đàn bò thịt, bò sữa của tỉnh cũng tăng mạnh. Tỉnh Sóc Trăng đang phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng đàn lên đạt 100.000 con bò thịt và bò sữa.
Rẫy màu tươi tốt hứa hẹn cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Rẫy màu tươi tốt hứa hẹn cho thu nhập cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Xuất hiện nhiều mô hình mới hiệu quả Để thích ứng với biến đổi khí hậu và đối phó với giá nông sản bấp bênh, thua lỗ, cùng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền, các địa phương, người dân Sóc Trăng cũng đang tìm cách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cho phù hợp, tìm cách tăng năng suất, sản lượng, tính toán để cho thu nhập cao, hiệu quả và bền vững. Tại huyện Mỹ Xuyên, hàng năm, ngành nông nghiệp và địa phương đã duy trì diện tích hơn chục ngàn ha lúa luân canh với tôm với mô hình “lúa thơm- tôm sạch”. Mô hình đã cho sản phẩm cả lúa và tôm thương phẩm đều đạt chất lượng sạch, có giá trị cao hơn các vùng nuôi tôm khác và lúa gạo cũng đang được xây dựng theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường tiêu thụ mạnh. Nhiều nhà đầu tư nuôi tôm công nghệ cao ở Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu cũng đã áp dụng mô hình trang trại lớn, sản xuất sạch, theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP như nuôi tôm trong nhà kính, hệ thống sục khí đáy, sử dụng vi sinh và có quy trình chăm sóc đặc biệt. Việc đầu tư cần nguồn vốn rất lớn nhưng hiệu quả thu về lợi nhuận cũng rất cao, mỗi ha đầu tư có khi cả chục tỷ đồng nhưng lợi nhuận đem lại cho nhà đầu tư cũng tới hàng chục tỷ đồng trên mỗi ha. 
Chuyển ruộng lúa sang trồng màu mùa hạn. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Chuyển ruộng lúa sang trồng màu mùa hạn. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Tại huyện Cù Lao Dung, nơi trước đây bà con chủ yếu canh tác mía nhưng hiệu quả thấp, những năm gần đây bà con cũng đã chuyển đổi nhiều diện tích mía sang trồng cây ăn trái, rau màu hoặc nuôi thủy sản. Việc thành lập Hợp tác xã nông nghiệp là Hợp tác xã An Phát ở ấp An Thường xã An Thạnh Nhất (Cù Lao Dung) với mô hình sản xuất Xoài cát chu theo hướng VietGAP đã đem lại thu nhập cao cho xã viên. Trên diện tích 8,1 ha với 9 hộ thành viên, người dân trồng xoài đã áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình trồng sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỗi năm thu hoạch 240 tấn trái và luôn được tiêu thụ tốt với giá cao hơn giá xoài ngoài mô hình đã đem lại hiệu quả cao hơn cho người trồng. Anh Trần Văn Phục, ở ấp Bình Du B, xã An Thạnh Nhì (Cù Lao Dung), những năm trước cũng trồng mía nhưng không có hiệu quả, anh bỏ mía trồng nhãn da bò. Giá cả loại nhãn này thường bấp bênh và dễ bị bệnh sâu hại nên anh đã chuyển 3 ha từ trồng nhãn da bò sang trồng nhãn ido (giống Thái). Vườn nhãn ido của anh đang chuẩn bị cho thu hoạch lứa đầu hứa hẹn bội thu vì năng suất cao gấp đôi so với trồng nhãn da bò, trong khi giá cả ở thời điểm hiện tại cũng gấp 3 lần nhãn da bò, ở mức từ 25.000-35.000 đồng/kg tùy theo loại. Anh Phục cho biết, anh đã tham gia hợp tác xã An Phú Hưng (xã An Thạnh Nhì 2) được mấy năm nay. Hiện tại hợp tác xã có 32 hộ thành viên đang canh tác 50 ha nhãn da bò và 30 ha trồng nhãn ido. Do hiệu quả nhãn ido cao, giá cả ổn định không năm nào dưới 20.000 đồng/kg, có năm tới 40.000 đồng/kg nên nhiều hộ xã viên tới đây sẽ chuyển sang trồng nhãn ido. 
Người dân Long Phú chuyển đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Người dân Long Phú chuyển đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Quy trình trồng nhãn gần như tự động hết trong khâu tưới nước với hệ thống đường ống dẫn nước, trộn phân vi sinh được tự đồng hòa trong hồ nước và phun trực tiếp vào khu vực gốc cây hàng ngày. Việc tiêu thụ nhãn cũng rất tốt do thị trường xuất khẩu nhãn này luôn cung chưa đủ cầu. Anh Phục hy vọng sau một tháng nữa, 3 ha nhãn của gia đình anh sẽ thu về ít nhất 50 tấn trái, với giá cả trên 30 ngàn đồng mỗi ký như hiện nay, mức lợi nhuận thu về là không nhỏ. Với định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sự tìm tòi sáng tạo của nhà nông, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang hướng tới sản xuất sạch công nghệ cao, hướng tới việc sản xuất có hiệu quả theo mô hình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhờ vậy, sau đợt đại hạn, khô, mặn năm 2016, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã có sự chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu, giá trị trên mỗi đơn vị diện tích đất cũng tăng lên đạt trên 140 triệu đồng/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2017. Tỉnh đang phấn đấu năm 2018 này đạt 150 triệu đồng mỗi ha, qua đó giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân đạt ngang bằng với khu vực và cả nước… 
Trung Hiếu

Có thể bạn quan tâm