Sóc Trăng: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Sóc Trăng: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao

Do diện tích quy hoạch đất nuôi tôm không còn nhiều nên Sóc Trăng chủ trương chuyển ao nuôi đất thành ao nuôi lót bạt công nghiệp và tăng năng suất theo hướng công nghệ cao - đây là thông tin tại Hội nghị chuyên đề “Trao đổi kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao” do Chi Cục thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề tổ chức ngày 16/12.

Sóc Trăng: Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao ảnh 1Sóc Trăng đang nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN

Thông tin tại Hội nghị, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề, Trần Hoàng Dũng cho biết: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao năm nay được người dân trên địa bàn huyện đầu tư khá nhiều. Toàn huyện có khoảng 548 ha nuôi tôm công nghệ cao, tăng 86,8 ha so với cùng kỳ năm 2021. Mô hình này thành công trên 95% diện tích thả, năng suất khá cao, từ 20 – 30 tấn/ha. Nhìn chung, năm 2022 các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện nuôi có sản lương khá tốt, tỷ lệ người nuôi có lãi từ 75 – 85%, các hộ nuôi hoà vốn 20%, các hộ lỗ vốn 5%.

Ông Trần Hoàng Dũng cũng cho biết, nhằm hỗ trợ người dân nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, địa phương tiếp tục tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật, các thành tựu mới trong nuôi trồng thủy sản; thay thế các phương pháp, kỹ thuật cũ đã lạc hậu bằng các phương pháp mới. Đồng thời, nhân rộng, đưa vào sản xuất các mô hình nuôi thủy sản có kết quả tốt như mô hình nuôi tôm kết hợp với cá rô phi, mô hình trải bạt đáy, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, áp dụng công nghệ biofloc trong nuôi tôm thẻ; tổ chức quản lý tốt môi trường ao nuôi, bảo vệ môi trường nuôi bền vững…

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Xu thế tất yếu hiện nay là các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển đổi hình thức nuôi tôm truyền thống ao đất, sang nuôi tôm trong ao lót bạt. Nuôi tôm 2, 3 hay nhiều giai đoạn kết hợp lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động, trong đó mô hình nuôi tôm lót bạt 2, 3 giai đoạn được xem là mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Tôm nuôi được kích cỡ lớn, đạt năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kế quả đạt được thì ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như năng lực của người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi quy mô nhỏ, còn nhiều hạn chế; một số khu nuôi không có hệ thống xử lý nước hoặc hệ thống xử lý kém hiệu quả; tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây dẫn đến diễn biến thời tiết khó lường cũng làm cho dịch bệnh gia tăng…

Việc ứng dụng công nghệ số, các quy trình tiên tiến, phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, công nghệ cao tiếp tục là xu hướng tất yếu- Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các chuyên gia, lãnh đạo ngành thủy sản Sóc Trăng đã tư vấn cho người dân nuôi tôm về cách tiếp cận nguồn tôm sạch, tôm giống từ khâu đầu vào; quản lý con tôm giống tại hộ sản xuất trước khi cung ứng đến hộ nuôi; quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi, đặc biệt là bệnh vi bào tử trùng trong ao nuôi tôm công nghệ cao; cách tiếp cận nguồn vốn để phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm công nghệ cao cho từng giai đoạn nuôi tôm; hướng dẫn quản lý môi trường nuôi tôm công nghệ cao; công bố cơ sở sản xuất giống có chất lượng…

Các đại biểu cũng đã đề xuất với ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống để tránh nguồn tôm giống bệnh tuồn ra thị trường gây thiệt hại cho người nuôi; đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường giá cả thức ăn, thuốc trị bệnh. Đặc biệt, ngành chức năng cần kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm