Sóc Trăng phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Sóc Trăng phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Tại Sóc Trăng, ngành nghề nông thôn phát triển rất phong phú, đa dạng với 27 ngành nghề được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân.

Sóc Trăng phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1Sản phẩm bánh Pía (Sóc Trăng) được bọc riêng từng gói trước khi đóng thùng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Huyện Châu Thành có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó người Khmer chiếm 48,58%, người Hoa chiếm 3,47%. Trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng như làng nghề bánh pía, làng đâm cốm dẹp, đan đát, vẽ tranh trên kiếng… Các làng nghề đã hình thành nên nét văn hóa riêng của đồng bào các dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, xóa đói giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Trong số rất nhiều gia đình làm nghề đan đát ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, gia đình ông Lâm Liếp theo nghề lâu nhất khi được lưu truyền đến 4 thế hệ. Từ những vật dụng quen thuộc, gia đình ông Lâm Liếp còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới lạ. Có thời điểm, một số cơ quan, doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn khiến gia đình ông phải huy động thêm lao động lân cận trong khu vực. Nhờ nguồn thu ổn định, kinh tế gia đình ông từng bước được cải thiện.

Thị xã Ngã Năm có nghề dệt chiếu và đan đát từ lâu, được gìn giữ, phát triển qua nhiều năm. Theo Giám đốc Hợp tác xã Hương Liên (xã Mỹ Bình) Nguyễn Kim Liên, Hợp tác xã hiện có hơn 300 lao động làm sản phẩm tấm xếp xoắn lục bình. Hàng ngày, bà con đến nhận bộ khung và nguyên liệu mang về nhà làm, sau khi có thành phẩm thì mang đến hợp tác xã nhận tiền công. Các tấm xếp tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ sẽ được tính công từ 7.000-20.000 đồng/sản phẩm, nhiều lao động mỗi tuần thu nhập từ 800.000-900.000 đồng từ công việc này.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, tỉnh đặt mục tiêu nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong tổng giá trị sản xuất khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; đồng thời phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến đến năm 2030, Sóc Trăng phát triển mới 15 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống; phát triển thêm 10-12 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3-5 làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao; phát triển thêm 3-5 làng du lịch, cụm du lịch gắn với các làng nghề, làng nghề truyền thống; phấn đấu 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động hiệu quả; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường...

Giai đoạn 2022-2030, Sóc Trăng phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn gần 200 tỷ đồng; phân bổ theo nội dung đầu tư xây dựng về cơ sở hạ tầng làng nghề và nghề truyền thống; xây dựng mô hình, dự án bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; đầu tư khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; đầu tư các hoạt động đào tạo, tập huấn, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu các sản phẩm làng nghề…

Để việc bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn đạt hiệu quả cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, tỉnh tạo chính sách thông thoáng, hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng và thông tin để các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn, dễ tiếp cận nguồn vốn, cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế. Tỉnh đưa Chương trình OCOP song hành với kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng các chương trình kết nối cung - cầu các sản phẩm của nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống theo kế hoạch phát triển OCOP hàng năm. Cơ quan chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Sóc Trăng triển khai các chương trình tập huấn nghề nông thôn gắn với các chương trình, đề án phát triển nông thôn của tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở ngành nghề; xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu.

Tỉnh quy hoạch sản xuất làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế tập thể, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị để cung cấp dịch vụ cho các cơ sở sản xuất, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm. Tỉnh hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào một số công đoạn sản xuất kết hợp với sử dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thống mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm