Sóc Trăng nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số

Tặng hoa tri ân cho các nhà tài trợ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Tặng hoa tri ân cho các nhà tài trợ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách về dân tộc trên địa bàn.

Sóc Trăng nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1Ngày 13/7/2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở đợt 2, năm 2022. Tính đến ngày 13/7, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 3.496 căn/3.240 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí huy động xã hội hóa trên 174 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra 256 căn, chiếm tỷ lệ trên 107% so với kế hoạch giai đoạn 20201– 2022. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, ủng hộ hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tỉnh Sóc Trăng. Trong ảnh: Tặng hoa tri ân cho các nhà tài trợ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Tại thời điểm tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tới 36,7%, đến nay chỉ còn 6,64% (theo tiêu chí nghèo đa chiều mới). Riêng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 2,85% (so với tổng số hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh). Hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%.

Các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đều có trường Trung học Cơ sở, Trạm Y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, khóm, ấp có điện lưới quốc gia. Tất cả xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh - truyền hình, bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; 100% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng công trình vệ sinh hợp vệ sinh đạt 95%...

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 9/7/2021 về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND, ngày 3/3/2022 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Kế hoạch đề ra một số mục tiêu chủ yếu như: nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 267 công trình đường nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân; giải quyết đất ở cho hơn 1.600 hộ; giải quyết nhà ở cho hơn 1.800 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.200 hộ; bảo tồn 4 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ hai dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Mặt khác, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng đạt từ 70 triệu đồng trở lên. Hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 3% - 4%. Trên 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác. 100% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn...

Tỉnh quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Sóc Trăng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn kết với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kiến thức để chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái; chú trọng phát triển những sản phẩm có giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị…

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm