Sóc Trăng nỗ lực giảm nhanh hộ nghèo ở vùng đồng bào Khmer

Sóc Trăng nỗ lực giảm nhanh hộ nghèo ở vùng đồng bào Khmer

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Sóc Trăng, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Sóc Trăng còn 28.987 hộ cận nghèo, tương đương với 8,96%. Hộ nghèo còn 8.617 hộ, tương đương 2,66%. Nếu so với thời điểm cuối năm 2015, khi đó, số hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh khoảng trên 90.000 hộ, trong đó có 57.814 hộ nghèo, chiếm 17,89% thì kết quả giảm nghèo đến nay đã đạt được là rất tích cực. Giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng mà đảng bộ và các cấp, các ngành tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm.

* Quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành

Theo ông Mã Chí Thanh, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 2016-2020, các chương trình, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả cao, đặc biệt là giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer, từ gần 27% cuối năm 2015 xuống 4,13% (4.140 hộ) vào cuối năm 2020. Như vậy, mỗi năm, tỉnh Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo tới trên 3% và giảm hộ nghèo trong đồng bào Khmer là trên 4,5%, vượt chỉ tiêu phấn đấu do Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra là 2-3% mỗi năm.

Tỷ lệ hộ nghèo ở Sóc Trăng giảm nhanh chóng, một phần nhờ sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ rất lớn của các cấp, ngành, địa phương. Riêng kinh phí thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh là 605 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trung ương là 478 tỷ đồng; ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn khác là 127 tỷ đồng.

Sóc Trăng nỗ lực giảm nhanh hộ nghèo ở vùng đồng bào Khmer ảnh 1Đồng bào Khmer được hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Trong công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn cho người lao động đi làm việc ở các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng từ ngân sách địa phương, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được quan tâm. Kết quả, trung bình mỗi năm, gần 15.000 người được đào tạo nghề, giải quyết 26.000 lao động có việc làm.

Cũng trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Sóc Trăng có 29 xã đặc biệt khó khăn và 158 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 46 xã khu vực 2; 14 xã được công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua các năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hằng năm mỗi xã được đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ đào tạo giải quyết việc làm, nâng cao dân trí, thiết chế văn hóa…

Đến nay đã có 7 xã khu vực 3 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 3 xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135), 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng số lượng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 50 xã, trong tổng số 80 xã nông thôn.

Tỉnh cũng quan tâm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số. Đến nay, Sóc Trăng đã hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong dịp Tết Tân Sửu 2021 vừa qua Sóc Trăng có gần 100.300 gia đình chính sách xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người neo đơn… được thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ Tết với tổng giá trị lên đến hơn 37,73 tỷ đồng, giúp mọi gia đình đều được vui Xuân, có Tết.

* Thoát nghèo từ những mô hình làm ăn có hiệu quả


Trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở Sóc Trăng có nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, trong đó, hiệu quả nhất là mô hình nuôi bò, nuôi dê (mỗi hộ được hỗ trợ 1- 2 con), trồng rau màu… Đó là những mô hình giúp người dân, đặc biệt là bà con Khmer xóa đói, giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.

Nuôi bò sữa là một trong những mô hình có hiệu quả nhất trong giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Đầu năm 2021, Sóc Trăng đã phát triển được trên 10.100 con bò sữa, tập trung nhiều ở các địa phương như: Huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề và huyện Mỹ Tú, với sản lượng sữa bình quân mỗi ngày đạt trên 30 tấn. Nhiều hộ nuôi bò sữa ban đầu chỉ có 1-2 con, nhờ được Nhà nước hỗ trợ đã phát triển lên theo mô hình trang trại hàng chục con bò cho sữa mỗi ngày, thu nhập từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng/ ngày.

Ông Sơn Hang (người Khmer) là một trong những người nuôi bò sữa "mát tay" ở ấp Trà Bết (xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Ông cho biết, tham gia dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng”, gia đình ông được hỗ trợ vốn vay làm chuồng, máy cắt cỏ, máy vắt sữa cho đến kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó mà bò sữa của gia đình không ngừng nâng cao sản lượng và chất lượng. Chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, thu nhập ổn định cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Ngoài chăn nuôi bò sữa, các mô hình kết hợp khác cũng đem lại hiệu quả cao. Ông Sơn Nhờ, người Khmer ở ấp Khoan Tang (thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) là một điển hình trong áp dụng chăn nuôi có hiệu quả. Ông Nhờ cho biết, ông đã ngoài 60 tuổi nên không thể đi làm thuê làm mướn như lớp trẻ được. Thấy mô hình nuôi ếch được giới thiệu trên truyền hình, ông tìm cách học và làm theo. Tận dụng đất vườn trồng cây tạp quanh nhà, ông căng lưới nuôi ếch. Mẻ đầu được 2.000 con. Sau 3 tháng, khi thu hoạch ếch thịt (giá 40.000 - 50.000 đồng/kg), trừ chi phí, ông thu về khoảng 4 - 5 triệu đồng. Thấy ếch cũng dễ nuôi, vốn ít, nên ông quyết định nuôi thêm 8.000 con, hiện đang thời điểm thu hoạch và lợi nhuận cũng khá.

Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, ông Sơn Nhờ còn nuôi thêm 3 con bò giống, hiện nay bò chuẩn bị sinh lứa đầu. Nếu thuận lợi, mỗi con bò nuôi đến khi bán thịt cũng đem lại cho người chủ khoảng 20 triệu đồng.

Sóc Trăng nỗ lực giảm nhanh hộ nghèo ở vùng đồng bào Khmer ảnh 2Mô hình trồng rau màu đã giúp nhiều hộ dân đồng bào Khmer vươn lên thoát nghèo. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Anh Lý Sươl, một nông dân người Khmer ở ấp Xa Mau 2 (thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị) cũng là người sản xuất đa canh. Anh vừa chăn nuôi vừa trồng rau màu đem lại thu nhập ổn định. Năm vừa qua, anh được chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ 20 triệu đồng để mua 2 con trâu, Giờ đây 2 con trâu đều sắp đẻ và anh dự định sẽ nhân đàn tiếp để nuôi. Theo anh Sươl, do không có đất sản xuất, nên vợ chồng anh đã thuê 10 công ruộng (hơn 1 ha) để canh tác. Mục tiêu là lấy công làm lãi, trừ chi phí đầu tư và tiền thuê đất, mỗi năm gia đình anh cũng có lãi khoảng 60 - 70 triệu đồng. Ngoài ra, tranh thủ vào mùa khô, thời điểm cận Tết, anh còn trồng dưa hấu dưới chân ruộng. Mùa khô dưa dễ trồng, năng suất cao, lại được giá khi vào dịp Tết, nên mỗi công đất thu về cũng thêm khoảng 10 triệu đồng...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các cấp, ngành địa phương tăng cường công tác rà soát, phân loại để có chính sách hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, hộ nghèo. Mục tiêu là trong những năm tới tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm khoảng 2-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer từ 3-4%/năm.

Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, nhất là trong nông nghiệp và phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao, phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong nhân dân, tăng cao mức hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Tỉnh cũng tiếp tục kêu gọi thu hút nhà đầu tư, vốn đầu tư và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm