Sóc Trăng: Đồng bào Khmer được chăm lo tốt cả đời sống vật chất và tinh thần

Sóc Trăng: Đồng bào Khmer được chăm lo tốt cả đời sống vật chất và tinh thần

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Khmer có dân số khá đông với khoảng 1,3 triệu người, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Nam bộ. Tại Sóc Trăng, đồng bào Khmer có khoảng 400 ngàn người, chiếm gần 31% dân số của tỉnh. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào Khmer tại Sóc Trăng đã có nhiều cơ hội giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao dần mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đầu tư lớn, đổi thay nhanh chóng

Tại Sóc Trăng, tỷ lệ đồng bào Khmer thoát nghèo hàng năm từ 3-4%; hệ thống giáo dục của đồng bào Khmer được quan tâm, 10/11 đơn vị cấp huyện đã xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú các cấp. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư khá khang trang để người dân hạn chế phải khám, điều trị vượt tuyến. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông, điện, nước được đầu tư rất lớn, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng được vận động, đầu tư mạnh, góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh.

Sóc Trăng tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 696 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng cũng rất chú trọng phát triển vùng đồng bào dân tộc.

Từ đầu năm nay, tỉnh đã tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu điều hành phát triển kinh tế - xã hội và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. 10 tháng qua, tỉnh đạt tăng trưởng kinh tế trên 8%. Tình hình tiêu thụ nông sản ổn định, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi giảm, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã vượt kế hoạch năm, đạt 1 tỷ 270 triệu USD (cao nhất từ trước đến nay). Tỉnh có thêm trên 400 doanh nghiệp thành lập mới, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và gia tăng doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội…Qua đó cũng tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định đời sống cho nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Sóc Trăng: Đồng bào Khmer được chăm lo tốt cả đời sống vật chất và tinh thần ảnh 1Anh Lâm Hiêm ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) nhờ được hỗ trợ của Nhà nước nên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Nguồn: baosoctrang.org.vn

Người dân phấn khởi

Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn, bức xúc về nhà ở được các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh nỗ lực thực hiện. Qua 2 đợt phát động và triển khai trong năm 2021 và năm 2022, toàn tỉnh đã vận động xây được 3.600 căn nhà cho hộ nghèo, trong đó chủ yếu là hộ đồng bào Khmer nghèo.

Cùng với mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng mỗi căn nhà từ chương trình, các hộ nghèo trong quá trình xây nhà còn được người dân tại địa phương hỗ trợ thêm tiền, vật tư, các đoàn thể vận động, hỗ trợ ngày công. Sự tham gia của cộng đồng càng ý nghĩa khi hơn 3.600 căn nhà cho hộ nghèo đều đạt tiêu chí đảm bảo 3 cứng giúp hộ nghèo có được mái ấm vững vàng để an cư, yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.

Cùng với hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, công tác chăm lo, bảo vệ sức khỏe người dân cũng được các cấp quan tâm. Sóc Trăng là địa phương đi đầu cả nước trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân. Tỉnh thực hiện đảm bảo 100% hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ có bảo hiểm y tế mà bà Thạch Thị Tuyền, ở ấp Tam Sóc B2, xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, đỡ tốn chi phí mỗi khi đi khám, điều trị.

Việc dạy học chữ Khmer được tỉnh tiếp tục triển khai trong các trường phổ thông công lập; dạy chữ Khmer trong dịp hè tại các điểm chùa được tổ chức nghiêm túc và chất lượng. Hè năm học 2021-2022 toàn tỉnh có 59 chùa với 191 lớp, 4.311 học sinh và 191 nhà sư tham gia dạy học chữ Khmer. Tỉnh ủy còn ban hành Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện sản xuất, phát sóng chương trình dạy tiếng Khmer trên truyền hình “Cùng học tiếng Khmer”.

Với sự chủ động, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, Sóc Trăng đã tạo thế và lực đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Sự quyết tâm đó đang tạo được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện các mục tiêu quốc gia hướng tới đảm bảo ổn định sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc” tỉnh Sóc Trăng.

Trung Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm