Sóc Trăng đặt mục tiêu thêm 2 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, nhưng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sóc Trăng luôn quan tâm thực hiện khá đồng bộ các giải pháp, phấn đấu trong năm 2023, tỉnh sẽ có thêm 2 đơn vị cấp huyện là Cù Lao Dung và Châu Thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Soc Trang dat muc tieu them 2 huyen hoan thanh xay dung nong thon moi hinh anh 1Nhờ hệ thống lót bạt trữ nước ngọt, nên các vườn nhãn của nông dân huyện đảo Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn trĩu quả. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Sóc Trăng, năm 2022, toàn tỉnh đã có 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã có 64 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện là Mỹ Xuyên, thị xã Ngã năm và thị xã Vĩnh Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, toàn huyện hiện đã có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85,7%, địa phương đang phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện Cù Lao Dung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu đó, Cù Lao Dung đang tập trung đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân khu vực nông thôn, đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc tham gia cùng với chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Còn tại huyện Châu Thành, hiện cũng đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ khi bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn luôn được địa phương chú trọng phát triển. Đến nay, 100% các xã có đường ô tô về đến trung tâm, đường xã liên xã, ấp liên ấp được bê tông hóa, giúp người dân giao thương dễ dàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bí thư Huyện uỷ Châu Thành ông Phạm Anh Minh, cho biết, để huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2023, địa phương đã có nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền duy trì và nâng chất các tiêu chí đạt được, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế theo định hướng tái cơ cấu công, nông nghiệp, nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa. Thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội; quan tâm dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng, năm 2023, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu sẽ có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nếu thêm 2 huyện Châu Thành và Cù Lao Dung được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới sẽ nâng tổng số toàn tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng ông Huỳnh Ngọc Nhã, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông tin, Ban chỉ đạo đã đẩy mạnh các giải pháp trọng tâm, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý, điều hành.

Ngoài ra, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và thực hiện tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Tuấn Phi

Tin liên quan

Sóc Trăng phát triển ngành nghề nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Tại Sóc Trăng, ngành nghề nông thôn phát triển rất phong phú, đa dạng với 27 ngành nghề được phân bố rải rác ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa gắn với thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân.


Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là “mái nhà chung” của cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa sinh sống cộng cư với nhau. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, riêng biệt. Trong quá trình sinh sống, đã có sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc kéo dài trên 300 năm. Chính điều đó đã tạo nên bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo của người dân tỉnh Sóc Trăng.


Sóc Trăng: Bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại Sóc Trăng, biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã tác động rõ rệt, làm gia tăng áp lực lên môi trường ở khu vực nông thôn. Sự thay đổi thời tiết bất thường, phân bố không đồng đều lượng mưa đã dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, quá trình rửa trôi, xói mòn, sạt lở bờ sông, khu vực ven biển..., tác động gián tiếp và trực tiếp lên môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước, năng lượng, sức khỏe con người, nông nghiệp, an ninh lương thực, đa dạng sinh học, cơ sở hạ tầng, cộng đồng dân cư và các lĩnh vực khác. Từ đó, làm gia tăng sự phức tạp, áp lực giải quyết các vấn đề môi trường khu vực nông thôn.


Sóc Trăng nâng cao năng suất lúa đặc sản

Để vực dậy tiềm năng cây lúa, khẳng định thương hiệu "hạt ngọc" Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu nâng cao năng suất lúa và tập trung phát triển các giống lúa đặc sản nhằm nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập cho nông dân.


Sóc Trăng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, năm 2023, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trên 413 tỷ đồng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức phù hợp.



Đề xuất