Sóc Trăng chuyển đổi cây trồng gắn với an toàn sinh học

Sóc Trăng chuyển đổi cây trồng gắn với an toàn sinh học
Nhờ trồng đậu bắp giúp gia đình ông Nguyễn Văn Sự ở huyện Trần Đề có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Nhờ trồng đậu bắp giúp gia đình ông Nguyễn Văn Sự ở huyện Trần Đề có nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Luân canh hoa màu cho thu nhập ổn định

Trong vụ lúa Thu Đông 2018, người dân huyện Trần Đề quyết định chuyển đổi cây trồng, sang sản xuất đậu bắp. Đây là giải pháp cải tạo lại đất lúa, bảo toàn dinh dưỡng đất khi vào sản xuất vụ Đông Xuân. Theo ông Huỳnh Trọng Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, trong vụ này, người dân trong xã Thạnh Thới Thuận đưa cây hoa màu xuống chân ruộng trên diện tích 10 ha; trong đó, cây đậu bắp chiếm diện tích 5 ha. Đậu bắp hiện là cây cho thu nhập ổn định của 17 hộ dân trong xã này.

Ông Khiết cho biết thêm, để duy trì phát triển mô hình luân canh cây đậu bắp trên đất lúa, Hội Nông dân xã Thạnh Thới Thuận đã vận động quỹ hỗ trợ nông dân giúp các hộ sản xuất. Hội cũng đang hoàn tất thủ tục, hồ sơ thành lập tổ hợp tác trồng màu luân canh nhằm hỗ trợ tạo đầu ra ổn định, giúp bà con tăng thu nhập để yên tâm sản xuất, nhân rộng mô hình.

Tại ruộng đậu bắp của ông Nguyễn Văn Sự, ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, ông chia sẻ, thông thường, vụ lúa thứ 3 trong năm gia đình ông thường bỏ trống để chờ xuống giống lúa Đông Xuân. Ông nhận thấy đậu bắp là cây dễ trồng, kháng sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao, chịu hạn tốt lại hoàn toàn phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương, có thể luân canh, không ảnh hưởng đến dinh dưỡng trong đất, lại tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vì vậy, ông đã xuống giống 3.000 m2 trồng đậu bắp.

Với cây đậu bắp, người sản xuất không mất nhiều chi phí, có thể tận dụng tro trấu và phân chuồng để bón, giúp đất tơi xốp, giữ độ ẩm. Từ khi gieo hạt đến thu hoạch khoảng 45 ngày. Với 3.000 m2 đậu bắp, mỗi ngày ông Sự thu hoạch từ 120 kg đến 200 kg quả, thương lái thu mua với giá dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông cũng thu về khoảng 15 triệu đồng/1.000 m2. Với mức thu nhập này, gia đình ông có thu nhập ổn định. Hơn nữa, thời gian còn lại vẫn có thể dưỡng đất để xuống giống vụ Đông Xuân kế tiếp.

Những vườn cây ăn trái bội thu

Cùng với huyện Trần Đề, các địa phương khác như: Mỹ Tú, Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng cũng đã tìm ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp, thay vì chỉ sản xuất lúa như trước đây.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhu, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Kế Sách, hiện, huyện Kế Sách có hơn 15.000 ha sản xuất cây ăn trái, chủ yếu các loại bưởi da xanh, bưởi năm roi, vú sữa, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, quýt đường… Các loại trái cây này hiện được thị trường trong nước ưa chuộng.

Hiện, nông dân huyện Kế Sách cũng đã áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, sử dụng các loại chế phẩm sinh học khi sản xuất trái cây, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe, đáp ứng tiêu chí của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Điển hình như vườn quýt đường của ông Trịnh Ngọc Thảo, ngụ tại ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Ông Thảo chia sẻ, tổng diện tích vườn quýt của ông là 1ha. Ông chuyển đổi sản xuất quýt đường từ năm 2015, đến 2017 bắt đầu thu hoạch, lợi nhuận thu được ông tái đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn quýt. Sang năm 2018, vườn quýt cho sản lượng trái 12 tấn, trừ chi phí ông thu gần 200 triệu đồng. Trong năm 2019, nếu vườn quýt vẫn cho trái tốt như năm 2018, thì lợi nhuận sẽ không giảm.

So với một số loại cây ăn trái khác, quýt đường cho thu nhập tốt hơn, nhưng việc chăm sóc quýt lại không dễ dàng. Mỗi đợt ra lá non, sẽ có nhiều sâu tấn công vườn quýt. Để diệt trừ sâu hại lá, ông Thảo sử dụng hầu hết các chế phẩm sinh học, tuyệt đối không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trên vườn quýt để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Chính nhờ dùng phương pháp sản xuất ứng dụng sinh học trong canh tác nên cây quýt có sức đề kháng tốt; đồng thời, đất tơi xốp, màu mỡ, bộ rễ ăn sâu vào đất, cây phát triển xanh tốt. Ngoài ra, phía dưới chân gốc quýt đường, ông Thảo trồng một số rau dại mọc xanh tốt nhằm giữ ẩm cho cây. Có thể nói, cây quýt đường là thành công lớn của ông Thảo.

Ông Thảo cho biết, đạt được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Kế Sách, đặc biệt là các cán bộ khuyến nông đã nhiệt tình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để vườn quýt đạt năng suất, chất lượng. Ông Thảo dự định vẫn duy trì mô hình trồng quýt bằng biện pháp sinh học để đảm bảo sức khỏe bản thân và cung cấp trái quýt sạch cho người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng, cả tỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 30.000 ha cây ăn trái; trong đó, diện tích chuyển đổi từ các loại cây khác trên đất kém hiệu quả và từ vườn cây nội bộ là 300 đến 400 ha, tập trung nhiều ở huyện Kế Sách và Cù Lao Dung.

Để nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng thuận lợi, UBND tỉnh đã làm việc với các ngân hàng về chương trình cho vay vốn chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ lãi suất cho vay đến 50%. Nhờ đó, nông dân tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn mở rộng diện tích cây ăn trái theo mục tiêu chuyển đổi cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như hiện nay.
Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm