Sóc Trăng chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào Khmer

Mô hình chăn nuôi bò thịt giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững. Ảnh: baogiaothong.vn
Mô hình chăn nuôi bò thịt giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững. Ảnh: baogiaothong.vn

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng cho biết, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương hiện còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hàng năm thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 40% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Do đó, việc triển khai Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở vừa mang tính nhân văn sâu sắc vừa có ý nghĩa thiết thực trong việc chăm lo cho người nghèo, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Theo ông Lâm Văn Mẫn, trong 2 năm 2021-2022, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trên địa bàn đã ủng hộ trên 174 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Ban Chỉ đạo đã xây dựng được gần 3.500 căn nhà, trong đó xây dựng gần 1.300 căn nhà cho hộ đồng bào Khmer nghèo. Mỗi căn nhà có giá trị 50 triệu đồng, bảo đảm đủ tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), giúp hộ nghèo, nhất hộ Khmer nghèo có nhà ở ổn định, an tâm lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chị Tăng Thị Sô Banh (người Khmer, ấp Bưng Triết, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) là một trong những hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Trước đây, hai mẹ con chỉ sống trong căn nhà tạm bợ. Hai năm trước, trong lúc làm công cho một lò gạch, mắt chị bị đau nặng, phải tạm nghỉ để điều trị, mất thu nhập nên cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn. Được hỗ trợ ngôi nhà hơn 40m2, chị không chỉ có nơi an cư mà còn tự tin hơn trong lao động, hướng tới thoát nghèo, ổn định đời sống.

Ông Sơn Che (người Khmer, ấp An Trạch, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) cho biết, ngôi nhà cũ của gia đình đã xuống cấp, do hoàn cảnh khó khăn nên ông không có tiền để sửa chữa. Nay được địa phương hỗ trợ xây căn nhà khang trang, gia đình đã có nơi ở ổn định.

Hiện nay, Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer). Để tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào Khmer, Trưởng ban Chỉ đạo vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tỉnh Sóc Trăng thông tin, năm 2023, Ban Chỉ đạo tiếp tục vận dụng, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, tập đoàn kinh tế, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tích cực tham gia ủng hộ đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Sóc Trăng chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào Khmer ảnh 1Mô hình chăn nuôi bò thịt giúp bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững. Ảnh: baogiaothong.vn

Sóc Trăng tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc lồng ghép kết hợp với chính sách đầu tư của Chính phủ như: Đầu tư hạ tầng, nhà ở, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất; y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm; tín dụng ưu đãi; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách hỗ trợ giảm nghèo... từng bước thay đổi tập quán sản xuất, mở rộng quy mô, dịch vụ phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 3-4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm