Sóc Trăng bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc

Đồng bào Khmer Sóc Trăng trong trang phục truyền thống biểu diễn múa Răm vông. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Đồng bào Khmer Sóc Trăng trong trang phục truyền thống biểu diễn múa Răm vông. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào tộc người thiểu số, chủ yếu tập trung ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, trong đó đồng bào Khmer chiếm 30,19% dân số, người Hoa chiếm 5,21% dân số. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Út, tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày di sản văn hóa truyền thống điển hình của các dân tộc thiểu số, trong đó có trang phục truyền thống.

Sóc Trăng bảo tồn, phát huy nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc  ảnh 1Đồng bào Khmer Sóc Trăng trong trang phục truyền thống biểu diễn múa Răm vông. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Ông Trần Văn Út cho biết, việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong đời sống, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc. Đồng thời, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống.

Việc bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được chia làm hai giai đoạn: 2019 - 2025 và 2026 - 2030 với các nội dung như: Tổ chức khảo sát, đánh giá, tiến hành kiểm kê và lập danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số; tham gia tập huấn về phương pháp bảo tồn, phát huy và kỹ năng truyền dạy bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; triển khai trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn phát triển du lịch.

Giai đoạn 1, tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá, kiểm kê lập Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống, theo đó đã sưu tầm được 66 đơn vị hiện vật và trang phục cho cưới hỏi, lễ hội, lao động sản xuất của dân tộc Khmer và Hoa, trang phục nghệ thuật múa Rô băm. Trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng bộ sưu tập trang phục đám cưới của dân tộc Khmer, Hoa và sân khấu dù kê, thực hiện kế hoạch kiểm kê, chỉnh lý, bảo quản trang phục…

Đến năm 2023, Sóc Trăng dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của trang phục truyền thống dân tộc thiểu số”, trưng bày các bộ sưu tập trang phục dân tộc thiểu số, tiếp tục xây dựng bộ sưu tập trang phục các dân tộc Hoa, Khmer, đưa chương trình trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc gắn với các lễ hội văn hóa, sự kiện của địa phương.

Theo kế hoạch đề án, trong tháng 11/2022, tỉnh triển khai tổ chức mặc trang phục dân tộc trong các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên 2 buổi/tuần và vào các dịp lễ, Tết. Thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức tập huấn công chức, viên chức phụ trách lĩnh vực di sản văn hóa, cử viên chức, nghệ nhân, người có uy tín tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số.

Chùa Som Rong (phường 5, thành phố Sóc Trăng) là một điểm đến thu hút khách du lịch các nơi đến tham quan với điểm nhấn là dịch vụ trang điểm, cho thuê các bộ trang phục truyền thống dân tộc Khmer để chụp ảnh cưới, lưu niệm. Du khách tham quan chùa Som Rong có thể thuê trang phục dân tộc Khmer để chụp ảnh. Các bộ trang phục, trang sức có màu sắc tươi sáng, nổi bật, hoa văn độc đáo, giúp mọi du khách hiểu biết thêm về văn hóa, con người Khmer Nam Bộ…

Mặt khác, tỉnh tăng cường đầu tư của nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống của các dân tộc; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội, các chủ thể văn hóa và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sóc Trăng xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của các trang phục truyền thống cũng như quan tâm đến các chính sách, chế độ ưu đãi, khuyến khích các nghệ nhân trao truyền các kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Út nhấn mạnh, bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc tại địa phương gồm nhiều giai đoạn, cụ thể kế hoạch từng năm, thực hiện có trọng điểm với nhiều phương thức, biện pháp nhằm phát huy những loại hình trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số có giá trị tiêu biểu, đặc sắc. Việc tổ chức tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống cần gắn với phát triển kinh tế, du lịch ở địa phương.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm