Số lượng chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực đang giảm nhanh chóng

Chim cánh cụt Adelie. Ảnh: AFP/ TTXVN
Chim cánh cụt Adelie. Ảnh: AFP/ TTXVN

Các nhà khoa học của Australia mới đây đã ghi nhận sự suy giảm nhanh chóng của một quần thể lớn chim cánh cụt Adelie ở ngoài khơi Nam Cực.

Số lượng chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực đang giảm nhanh chóng ảnh 1Chim cánh cụt Adelie tại trạm nghiên cứu New Harbor ở Nam Cực ngày 11/11/2016. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo nghiên cứu do Cục Nam Cực Australia (AAD) công bố ngày 11/10, quy mô một quần thể chim cánh cụt Adelie ở ngoài khơi vùng biển phía Đông Nam Cực đã giảm tới 43% trong thập kỷ qua. Nhóm các nhà sinh thái học của AAD do các chuyên gia Louise Emmerson và Colin Southwell đứng đầu đã tiến hành khảo sát tại 52 đảo dọc theo đường biển dài 100 km. Họ phát hiện ra rằng số tổ có chim sinh sống đã giảm từ 176.622 xuống còn 99.946 trong giai đoạn đó. Kết quả này trái ngược với những quần thể chim cánh cụt Adelie khác ở phía Đông Nam Cực, với số lượng chim vẫn ổn định.

Số lượng chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực đang giảm nhanh chóng ảnh 2Chim cánh cụt Adelie. Ảnh: AFP/ TTXVN

Là loài chim cánh cụt phổ biến nhất, chim cánh cụt Adelie sinh sống dọc theo toàn bộ bờ biển Nam Cực. Trước đó, các mô hình đã dự báo quần thể chim cánh cụt Adelie mà AAD theo dõi sẽ tiếp tục phát triển. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng sự thay đổi về điều kiện môi trường là nguyên nhân dẫn đến xu hướng suy giảm này. Các nhà khoa học cho rằng nhân tố chính khiến quần thể này suy giảm là do trong 5 năm liền, mùa Hè kéo dài gây ảnh hưởng tới lớp băng trên mặt biển gần nơi chim cánh cụt sống, cản trở việc tiếp cận các khu tìm kiếm thức ăn của những con trưởng thành, khiến chúng gần như không thể sống sót.

Số lượng chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực đang giảm nhanh chóng ảnh 3Chim cánh cụt Adelie tại khu vực biển Ross ở Nam Cực ngày 11/11/2016. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cùng với đó là những khó khăn về điều kiện sinh sản và tỷ lệ sống sót của chim non cũng bắt đầu giảm. Hai quá trình diễn ra cùng lúc này đã khiến quần thể chim cánh cụt giảm nhanh hơn dự kiến. Nhà khoa học Emmerson nhận định tại vùng biển rộng lớn và có khí hậu khắc nghiệt như Nam Cực, quy mô đàn càng nhỏ thì khả năng sống sót của chim càng giảm, song nguyên nhân chính xác và tác động cụ thể như thế nào vẫn cần nghiên cứu thêm.

Đặng Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm