Số ca sốt xuất huyết gia tăng: Cần phun hóa chất diện rộng ở nơi nguy cơ cao

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong những tuần gần đây số mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương và đã có trường hợp tử vong.

So ca sot xuat huyet gia tang: Can phun hoa chat dien rong o noi nguy co cao hinh anh 1Các y, bác sỹ khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu thăm khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngày 3/7/2020, Bộ Y tế đã có Công văn số 3608/BYT-DP gửi 12 UBND tỉnh, thành phố liên tục ghi nhận số mắc sốt xuất huyết hàng tuần cao là Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thời tiết hiện nay đang thuận lợi cho sự phát triển và gia tăng mật độ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, nguy cơ số người mắc bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới nếu các cơ quan chức năng không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, không để dịch lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đề nghị UBND 12 tỉnh, thành phố nói trên tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

So ca sot xuat huyet gia tang: Can phun hoa chat dien rong o noi nguy co cao hinh anh 2Phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN

Trong đó UBND các tỉnh, thành phố cần giao cho UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa việc diệt loăng quăng và bọ gậy trên địa bàn ngay trong tháng 7 năm 2020 và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng và bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

UBND tỉnh, thành phố cần giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng và bọ gậy để đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ dịch phải được kiểm tra, các bể nước, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy.

Ngành y tế cần giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương; phun hóa chất tại tất cả các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch; đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; đồng thời xác định khu vực có nguy cơ cao để phun hóa chất diện rộng.

Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng cần phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt loăng quăng, bọ gậy; nằm màn chống muỗi đốt; truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn người dân khi mắc bệnh thì không tự điều trị tại nhà mà phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Cần tập trung tuyên truyền trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời, các cơ sở y tế cần có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố.

PV

Tin liên quan

Đồng Nai chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Hai tuần gần đây, Đồng Nai chính thức bước vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết ngày càng tăng cao. Các bác sĩ cảnh báo, dù năm nay không phải chu kỳ đỉnh dịch nhưng người dân vẫn phải hết sức đề phòng, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, không để tình trạng lây lan nhanh trong cộng đồng.


Người dân có biểu hiện sốt xuất huyết cần khám kịp thời, không tự ý sử dụng thuốc tại nhà

Thống kê của ngành Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến ngày 3/6, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.850 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, tháng 5/2020 có số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng gấp 3 lần (từ 50 - 80 ca/tuần) so với các tháng trước (10-30 ca/tuần), tập trung ở hai thành phố Nha Trang và Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh.


Cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát trong mùa mưa

Mặc dù so với cùng kỳ năm 2019, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát nhanh nếu người dân chủ quan. Đáng chú ý đã có nhiều ổ lăng quăng được phát hiện gần đây tại các trường học. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/6.


Quảng Bình: Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Ngày 25/5, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.100 người mắc sốt xuất huyết. Trong đó, các địa phương có số lượng người mắc sốt xuất huyết cao như: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh…


Cảnh báo dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn Thành phố đã bắt đầu xuất hiện các ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ trong cộng đồng. Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh này bởi nguy cơ sốt xuất huyết sẽ bùng phát khi mùa mưa đến.


Bệnh sốt xuất huyết giảm, bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm thì bệnh sởi lại có dấu hiệu gia tăng trong những ngày cuối năm 2019. Đây là thông tin đáng chú ý trong báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh gửi UBND thành phố ngày 25/12.



Đề xuất