Sinh kế mới cho người dân tái định cư hồ thủy điện ở Nghệ An

Sinh kế mới cho người dân tái định cư hồ thủy điện ở Nghệ An

Nghệ An có 8 hồ thủy điện đang được khai thác với diện tích mặt nước lên đến hàng triệu mét vuông. Tận dụng diện tích mặt nước, những năm qua, nhiều hộ dân ở các huyện miền núi đã mạnh dạn phát triển mô hình nuôi cá lồng, bước đầu mang lại hiệu quả, không những giải quyết việc làm, nhiều hộ còn thoát nghèo, kinh tế ổn định.

Hướng thoát nghèo mới

Sau khi được tích nước, lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trở thành môi trường thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Nhiều hộ dân sống quanh khu vực lòng hồ ở các xã Tam Đình, Yên Na, Lượng Minh, Hữu Khuông (huyện Tương Dương) chuyển sang nuôi cá lồng hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hiện nay, khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có trên 300 lồng cá, hàng chục hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định nhờ nuôi cá.

Sinh kế mới cho người dân tái định cư hồ thủy điện ở Nghệ An ảnh 1Nhiều hộ dân xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng hồ ở thủy điện Hủa Na. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Nhường đất cho thủy điện Bản Vẽ, gia đình ông Vi Văn Long (bản Đình Phong, xã Tam Đình) là một trong nhiều hộ gặp nhiều khó khăn khi về nơi ở mới. Không còn rừng để thả nuôi gia súc, việc đốt nương làm rẫy bị cấm, kinh tế của gia đình chỉ còn phụ thuộc vào một ít đất lâm nghiệp, vài sào đất lúa, nên gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy lòng hồ thủy điện có thể phát triển nuôi cá lồng, năm 2018, ông cùng nhiều hộ dân khác mạnh dạn đầu tư lồng bè nuôi cá, nhờ đó góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Long cho biết, cá mỗi năm chỉ xuất bán 1 lần khi đạt trọng lượng khoảng 2kg/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình lãi khoảng 40 triệu đồng. Tuy số tiền không lớn nhưng với gia đình là nguồn thu nhập chính, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Nuôi cá lồng đòi hỏi rất nhiều thời gian, bởi hầu hết thức ăn cho cá đều lấy trong tự nhiên chứ gia đình ông không mua thức ăn công nghiệp. Cũng nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên cá ở đây thịt thơm, dai, luôn được các thương lái tìm mua tận nơi.

*Mũi nhọn phát triển kinh tế

Tại huyện Quế Phong, nơi sông Chu chảy qua, nghề nuôi cá lồng cũng đã có từ lâu. Tuy nhiên, lượng nước thay đổi thường xuyên khiến việc chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kiểu nuôi manh mún, nhỏ lẻ không có trình độ kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả vẫn không cao, nhiều lúc cá bị bệnh mà không biết cách chữa nên chết cả loạt, gây thiệt hại rất lớn. Một số năm trở lại đây, khi lòng hồ thủy điện Hủa Na được tích nước, số hộ nuôi cá lồng liên tục tăng, trong đó tập trung ở xã Thông Thụ, Đồng Văn. Đến nay, có khoảng 600 lồng cá với gần 100 hộ tham gia nuôi. Một số địa phương đã xem nuôi cá lồng là mũi nhọn phát triển kinh tế.

Sinh kế mới cho người dân tái định cư hồ thủy điện ở Nghệ An ảnh 2Nhiều hộ dân xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng hồ ở thủy điện Hủa Na. Ảnh: Văn Tý-TTXVN

Xuôi thuyền cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, chúng tôi đến thăm mô hình cá lồng của ông Quang Mạnh Dần, thôn Bản Năng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Bảy lồng được đóng bằng sắt kiên cố, kết nối với nhau một cách hợp lý đều đã được ông thả nuôi cá trắm. Với giá bán 80-100 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Theo ông Dần, trước đây, người dân nuôi tự phát, không có trình độ kỹ thuật nên cá hay bị bệnh, lúc bị bệnh cũng không biết xử lý nên hiệu quả kinh tế thấp. Được cán bộ khuyến nông của huyện mở các lớp tập huấn, bà con đã biết cách bố trí lồng phù hợp, cách chăm sóc cũng khoa học hơn, nhờ đó mà cá ít bệnh. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ tham gia nuôi cá lồng, nhà ít thì 6 lồng, nhà nhiều thì 15-20 lồng. Nuôi cá lồng thực sự đã và đang trở thành một sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.

Ông Phan Trọng Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết, từ nhiều năm trở lại đây, nuôi cá lồng hồ thủy điện đã giúp người dân vùng lòng hồ phát triển kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống. Hằng năm, huyện đều rà soát và hỗ trợ người dân cá giống, lồng cá theo Nghị quyết 14/2017/NQ-HĐND của tỉnh; trong đó, hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng/lồng cá và trợ giá cá giống từ mức 50-70% đối với hộ nuôi tùy thuộc khu vực. Ngoài ra, huyện cũng đã lồng ghép một số chương trình như Chương trình giảm nghèo 30a, Chương trình 135, qua đó mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, nắm rõ quy trình chăm sóc cũng như nhận biết và chữa bệnh cho cá.

Cũng theo ông Dũng, hiện nay, năng suất nuôi cá chưa cao một phần do người dân còn thiếu kiến thức về áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, một phần do nguồn thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên.

Nghệ An có trên 1.000 hồ thủy lợi, thủy điện lớn, nhỏ, tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lòng hồ là rất lớn. Năm 2015, tỉnh đã phê duyệt Đề án về phát triển thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến năm 2020 với mục tiêu nâng diện tích nuôi lên 10.301ha, giá trị đạt 180,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 2.350 lao động thường xuyên, 10.000 lao động thời vụ và dịch vụ cung ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản.

So với đề án, hiện nay, tốc độ phát triển nghề nuôi cá lồng còn khiêm tốn, chỉ có khoảng 400 hộ nuôi, giá trị đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi cá vẫn đang bị động trong cung cấp các giống cá, khiến cho quy mô nuôi cá lồng chưa đạt được hiệu quả cao nhất, vì thế mà một diện tích lòng hồ rộng lớn vẫn còn bỏ trống.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm