Sinh kế dưới tán rừng ở Nam Trà My

Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại dưới tán rừng theo hướng sản xuất hàng hóa đã và đang mang lại tín hiệu tích cực trong giảm nghèo, ổn định kinh tế ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam)…

Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 1Ở nhiều bản làng thuộc huyện Nam Trà My, cuộc sống đồng bào hoàn toàn dựa vào rừng tạo nên sự gắn kết, vừa khai thác giá trị sinh kế bền vững, vừa góp sức bảo vệ rừng tự nhiên một cách tốt nhất. Ảnh: Khánh Nguyên

Nam Trà My có hệ sinh thái và rừng nguyên sinh hết sức đa dạng, được bảo tồn nghiêm ngặt với độ che phủ rừng hơn 68% và tiếp tục tăng lên nhờ chú trọng phục hồi rừng. Năm 2021, toàn huyện đã triển khai trồng mới 1.873 ha rừng, trong đó ưu tiên các khu rừng tái sinh, rừng khoanh nuôi bảo vệ để đồng bào tập trung trồng cây lâu năm, cây gỗ lớn, cây nguyên liệu… gắn với phát triển dược liệu.

Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 2Sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm kinh tế mũi nhọn của đồng bào các dân tộc ở huyện Nam Trà My. Ảnh: Khánh Nguyên

Theo ông Trịnh Minh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, tận dụng điều kiện thuận lợi, đồng bào ở Nam Trà My đã cải tạo vườn tạp, phát triển vườn đồi, vườn rừng xây dựng các trang trại quy mô lớn. Toàn huyện hiện có 3.269 vườn, tổng diện tích hơn 1.017 ha, trong đó có 3 vườn đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại với diện tích khoảng 10.000 m2 /vườn.

Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 3Nhiều mặt hàng nông sản của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đã được bày bán, giới thiệu tại các hội chợ vùng cao. Ảnh: Khánh Nguyên

Nhằm tạo môi trường sản xuất ổn định, bền vững, đồng thời bảo tồn và phát triển các giống cây dược liệu quý, Nam Trà My còn đẩy mạnh việc liên kết giữa hộ gia đình với doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Toàn huyện hiện có 9 hộ sản xuất, 6 hợp tác xã và 3 công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh các mặt hàng nông sản và các loại cây dược liệu, góp phần ổn định đầu ra cho người dân.

Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 4Ở hầu hết các bản làng thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam), đồng bào các dân tộc đều duy trì mô hình trồng lúa nước để bảo tồn các giống lúa bản địa. Ảnh: Khánh Nguyên

Tại khu vực quanh núi Ngọc Linh, đồng bào còn phát triển mạnh các loại dược liệu đặc hữu như đảng sâm, giảo cổ lam, đương quy, chè dây, khổ qua rừng... với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Điển hình như mô hình trồng cây dổi xanh ở xã Trà Vân, bước đầu cho hiệu quả tốt và có khả năng phát triển lên đến hàng nghìn hec-ta; mô hình trồng đảng sâm tập trung ở thôn 1 Trà Linh, thôn 3 xã Trà Cang, cho doanh thu hơn 100 triệu đồng/hộ/năm…

Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 5Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam khảo sát mô hình gieo ươm dược liệu dưới tán rừng Nam Trà My. Ảnh: Khánh Nguyên
Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 6Các mô hình sinh kế được ươm gieo, chăm sóc dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My đang được khuyến khích phát triển trong cộng đồng. Ảnh: Khánh Nguyên
Sinh ke duoi tan rung o Nam Tra My hinh anh 7Trên từng cánh rẫy, sâm nam (đảng sâm) được trồng xen canh, đang cho hiệu quả khá rõ nét. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết, huyện ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp, lấy nông nghiệp nông thôn làm cơ bản và phát huy lợi thế kinh tế miền núi, đồng thời tập trung phát triển mạnh cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng và thu hút khách du lịch. “Chúng tôi tận dụng lợi thế từ việc lấy ngắn nuôi dài, kết hợp phát triển các loại cây dược liệu ngắn ngày, cây ăn quả và mô hình vườn - ao - chuồng dưới tán rừng, đồng thời chú trọng bảo tồn, khôi phục rừng để tạo sinh kế cho người dân. Như vậy mới vừa phát triển nền lâm nghiệp bền vững, vừa thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo cho người dân miền núi” - ông Mẫn nói.

Khánh Nguyên

Tin liên quan

Quảng Nam phát triển du lịch cộng đồng vùng sâu thành sản phẩm đặc trưng

Du lịch cộng đồng ở vùng sâu trong đất liền Quảng Nam đang mở ra hướng phát triển mới trên cơ sở kết nối nền tảng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phát huy thế mạnh về tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch có giá trị cao. Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở vùng sâu được kỳ vọng trở thành sản phẩm đặc trưng đang được ngành du lịch Quảng Nam liên kết với các địa phương trong khu vực, mở rộng thị trường, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững trong quá trình xây dựng du lịch xanh.


Sinh kế bền vững cho đồng bào vùng sạt lở núi ở Quảng Nam

Sau trận mưa lũ kinh hoàng cách đây 2 năm, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam có trên 170 gia đình ở các xã Phước Lộc, Phước Kim bị mất nhà ở hoặc bị hư hỏng nặng cần được tái định cư. Sau hai năm nỗ lực, đến nay cuộc sống của đồng bào đã ổn định, không còn nỗi lo sạt lở. Tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhất là về đất sản xuất, nhưng cuộc sống của đồng bào đã ổn định, công cuộc tái thiết đã bắt đầu.


Quảng Nam phát triển cây dược liệu quý hiếm

Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các cây dược liệu. Trong nhiều năm qua, với giá trị kinh tế cao cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp bắt đầu đầu tư mạnh vào việc trồng và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Những loại dược liệu quý của tỉnh như: sâm Ngọc Linh, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân...dần đã trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, góp phẩn giảm nghèo ở miền núi và gia tăng giá trị cho ngành dược liệu của tỉnh.


Mở hướng thoát nghèo nhờ trồng rừng gỗ lớn ở Bắc Trà My

Bắc Trà My là một huyện vùng núi cao của tỉnh Quảng Nam, có điều kiện đất đai rộng lớn. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phụ thuộc vào rừng và nương rẫy nên đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, chính quyền huyện Bắc Trà My đã lựa chọn phát triển kinh tế rừng làm mô hình kinh tế trọng điểm nhằm giúp cho đời sống của nhân dân trong vùng ngày một cải thiện.


Mùa xuân tìm hiểu nghề trông sâm ở huyện Nam Trà My

Năm nay, đồng bào Xê-đăng ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đón xuân mới với niềm vui đủ đầy hơn bởi đời sống ngày càng được nâng cao, trong đó, sâm Ngọc Linh được coi là cây mở hướng thoát nghèo bền vững cho đồng bào.



Đề xuất