Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình

Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình

Sáng 29/4, hai dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 là Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây với chiều dài hơn 162km đồng loạt được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức thông xe.

Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại điểm cầu Bình Thuận. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Lễ khánh thành và thông xe được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu. Trong đó, điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (thuộc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi 2 đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành, nhất là càng có ý nghĩa vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất.

Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây tại điểm cầu Bình Thuận. Ảnh: Dương Giang-TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Cao tốc, cảng biển, sân bay... được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này, không chỉ để thông thương và không gian phát triển mới, mà còn hạ giá thành hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hành lang vận tải Bắc - Nam rất quan trọng, là xương sống của đất nước. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 800km/2.063km. Như vậy đã hoàn thành và khai thác được trên 40%.

Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành cao tốc dọc cả nước, nối từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau. Đồng thời, cũng xây dựng và hoàn thành các tuyến trục ngang, dọc ở các địa phương như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình ảnh 3Hầm Tam Điệp nối thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) với thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Đánh giá về 2 đoạn cao tốc khánh thành hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đó là thành tích khi thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh COVID-19, giá cả biến động…

"Nỗ lực của các cấp, các ngành và sự chia sẻ, đồng lòng của nhân dân là rất lớn. Đó là bài học cho chúng ta vượt qua khó khăn trong những dự án, công trình sắp tới", Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận.

Như vậy, đến thời điểm này, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đã có 4 đoạn tuyến gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành, với tổng chiều dài gần 280km trên tổng số 654km.

Với tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 được đưa vào khai thác, thời gian di chuyển giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa sẽ được rút ngắn chỉ còn 2 giờ chạy xe so với 3 giờ như hiện nay. Còn với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành, thời gian di chuyển từ Tp. Hồ Chí Minh đi thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) được rút ngắn từ 5-6 giờ xuống còn hơn 2 giờ.

Siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông dần thành hình ảnh 4Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 gồm 4 làn xe, nền đường 17m, đạt vận tốc 80km/h, được bố trí các làn dừng khẩn cấp cho phương tiện. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Chưa dừng ở đó, dự kiến vào ngày 19/5 tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đưa tiếp 2 tuyến cao tốc mới được thông xe, gồm đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 150km. Tiếp theo, dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và dự án Nghi Sơn - Diễn Châu hoàn thành tháng 8/2023 cùng với đó là dự án cầu Mỹ Thuận 2 cũng gấp rút hoàn thành cuối năm 2023.

Với kế hoạch trên, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác. Trong năm 2024, theo kế hoạch sẽ có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được đưa vào khai thác, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo với tổng chiều dài 128 km. Như vậy, trong năm 2024 sẽ hoàn thành hết 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Có thể thấy, tuyến đường bộ cao tốc hiện đại từ phía Bắc tới phía Nam chạy dọc theo chiều dài đất nước đã và đang dần hình thành, không còn quá xa vời.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ngoài cung đường cao tốc Bắc - Nam xương sống, hàng loạt các tuyến cao tốc kết nối mọi vùng miền đang đồng thời được triển khai hoặc đang chuẩn bị triển khai như cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Giang… tiến tới mục tiêu đột phá hạ tầng giao thông, hình thành 5.000 km cao tốc trên cả nước vào năm 2030 như mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.

Nói về giai đoạn triển khai tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành ngày 29/4, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ, quá trình thi công các dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 2 dự án thành phần trên gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên đó là thời điểm thi công dự án cũng là thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ. Giai đoạn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc và việc đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu khiến các công trường phải dừng thi công từ 4 - 6 tháng.

Chưa kể thời tiết năm 2021 - 2022 diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công. Tiếp theo là những biến động của giá nguyên, vật liệu xây dựng do ảnh hưởng bối cảnh chung trên thế giới ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.

Khó khăn chồng khó khăn khi ngoài vấn đề giá cả thì các dự án cao tốc thi công trong thời gian này gặp vấn đề về thiếu hụt vật liệu (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp). Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài, ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án. Ngoài ra, một số nhà thầu còn hạn chế về năng lực, chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công công trình.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km được chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP (hợp tác công tư) và 8 dự án đầu tư công). Tính đến cuối tháng 4/2023, Dự án thành phần Cao Bồ - Mai Sơn dài 15,2 km và Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đã đưa vào khai thác. Các Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km đã hoàn thành 53,67km, còn khoảng hơn 9km và các hạng mục còn lại sẽ được hoàn thành trước 30/6/2023) và Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km sẽ chính thức đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023.

Dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km và Dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2023.

Dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28 km, Dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km và Dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu dài 6,01 km dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dự án PPP, dài 49,3 km và Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự án PPP, dài 78,5 km) sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Quang Toàn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm