Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Nam Bộ diễn biến phức tạp

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Nam Bộ diễn biến phức tạp

Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ đã xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, gây ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.

Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Nam Bộ diễn biến phức tạp ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở ven kênh Đốc Phủ Hiền, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Tại thành phố Cần Thơ, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 2 loại hình thiên tai là sạt lở bờ và triều cường. Tuyến sông Ô Môn thuộc ấp Thới Thuận, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai bị sạt lở với chiều dài 26m, ăn sâu vào đất liền 12m, ước thiệt hại tài sản khoảng 800 triệu đồng. Điểm sạt lở thứ hai trên tuyến kênh Thạnh Đông, khu vực Khánh Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, dài 25m, ăn sâu vào đất liền 3m.

Tình trạng sạt lở bờ sông, rạch vùng đầu nguồn sông Tiền, thuộc địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang đang diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là thời điểm mùa nước lũ tràn về, dòng chảy mạnh, kỳ triều cường gây xói lở trầm trọng nhiều nơi.

Bờ Đông sông Trà Lọt nằm trên địa bàn xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè), kênh 28 qua địa bàn xã Đông Hòa Hiệp, sông Rạch Ruộng (xã Mỹ Lợi B, huyện Cái Bè), kênh Nguyễn Văn Tiếp,…đang là những điểm nóng về sạt lở tại vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang.

Đầu tháng 3 vừa qua, một đoạn bờ Đông sông Trà Lọt dài gần 50 m đã bị sạt lở toàn bộ xuống sông, cắt đứt tuyến đường dân sinh ấp Hòa Quí, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Bờ sông lở vào sát ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Tiến nằm ngay phía trong con đường. Khu vực này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Người dân địa phương lo lắng cho an toàn tính mạng, tài sản trước thiên tai đang diễn biến khó lường.

Gia đình ông Võ Ngân Giang, cư ngụ ven sông Trà Lọt chỉ có chưa đầy 1.000 m2 đất ở và sản xuất, sau nhiều lần sạt lở đã bị mất gần 400 m2. Hiện, bờ sông đã sạt lở đến tận thềm nhà. Hiện trạng hết sức nguy hiểm, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản gia đình ông nói riêng, người dân sở tại nói chung.

Gia đình bà Trần Thị Vân ở kề bên hộ ông Võ Ngân Giang còn khó khăn hơn. Gia đình bà chỉ có khoảng 300 m2 đất ở, sạt lở mất 100 m2, nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra sẽ nhấn chìm căn nhà xuống sông.

Ông Võ Văn Dân, cán bộ ấp Hòa Quí cho biết, qua thống kê, đoạn bờ sông Trà Lọt dài khoảng 3 km đã có 4 điểm sạt lở nặng với tổng chiều dài gần 300 m. Sạt lở đã nhấn chìm xuống dòng nước đất đai, vườn tược, cơ sở hạ tầng giao thông, đường dây điện, làm đảo lộn sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong vùng. Hiện nay, do sạt lở, việc đi lại của người dân ấp Hòa Quí rất khó khăn và mất an toàn, nhất là những khi triều cường, nước dâng cao gây ngập những địa bàn trũng thấp.

Tại tỉnh Bình Thuận, những ngày qua, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường dâng, sóng biển cao đã gây ra tình trạng sạt lở bờ biển tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Phan Thiết.

Trên khu phố 1, phường Hàm Tiến, tuyến bờ biển gần 1 km bị sóng biển xâm thực nghiêm trọng. Nhiều đoạn bờ biển bị khoét sâu vào 2- 3m. Khu vực này có ít nhà dân sinh sống nhưng có nhiều resort, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đã triển khai nhiều biện pháp như: sử dụng kè mềm, rọ đá, bao cát chắn sóng tạm thời nhưng mỗi lần sóng to đánh vào lại cuốn trôi đất cát khiến bờ biển tiếp tục bị sạt lở.

Đại diện một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cho biết, tình trạng sóng biển xâm thực đã diễn ra từ nhiều năm qua; tuy nhiên thời gian gần đây cường độ sóng biển xâm thực diễn ra ngày càng mạnh hơn, sóng to kèm theo gió mạnh liên tục đánh ập vào bờ gây sạt lở, cuốn trôi nhiều đất cát, cây dương ven biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh du lịch.

Cũng tại thành phố Phan Thiết, trên địa bàn khu phố B và C, phường Thanh Hải, do ảnh hưởng của thời tiết xấu, gió thổi mạnh kết hợp với triều cường dâng cao đã gây sạt lở bờ biển, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sinh sống ven biển.

Các chuyên gia nhận định, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường, sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển. Ngoài ra, các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi quá mức trên sông làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, cộng với tình hình biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai gây sụt lún, xói lở, bồi lấp...

Để ứng phó với tỉnh hình sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố, các sở, ban, ngành thành phố, quận, huyện thuộc thành phố Cần Thơ đã quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), “Ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) nên công tác khắc phục thiệt hại được khẩn trương, đạt kết quả, góp phẩn ổn định đời sống nhân dân.

Tỉnh Tiền Giang triển khai đầu tư xử lý 5 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 3.148 m. Kinh phí trên 305 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ trên 265,3 tỷ đồng và vốn đối ứng địa phương gần 40 tỷ đồng.

Nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình kè bảo vệ bờ biển phường Thanh Hải. Công trình xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ biển có chiều dài hơn 1.000 m; được triển khai giữa năm 2021. Đây là công trình đang được chính quyền địa phương và người dân thành phố Phan Thiết nói chung và người dân ven biển phường Thanh Hải nói riêng mong đợi từng ngày.

Theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai, để phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển do lũ, lũ quét, sạt lở đất, triều cường..., các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn, xây dựng hồ chứa điều tiết lũ ở khu vực thường xảy ra lũ quét, khai thông các đường thoát lũ, xây dựng đê, tường chắn lũ quét…

Ngoài ra, các địa phương cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, có phương án sơ tán người đến những địa điểm an toàn, nhất là đối với người già, trẻ em, thành lập các đơn vị xung kích cứu nạn để sẵn sàng làm nhiệm vụ giúp dân sơ tán, tìm kiếm, cứu trợ, cấp cứu người và bảo vệ tài sản của dân trong thời gian có sạt lở, lũ quét…

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm