Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở các bản vùng cao huyện Thường Xuân

Đường giao thông nông thôn ở bản Vịn được làm kiên cố khang trang. Ảnh: baothanhhoa.vn
Đường giao thông nông thôn ở bản Vịn được làm kiên cố khang trang. Ảnh: baothanhhoa.vn

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, hiện 20/122 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn của địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 16,4%. Dự kiến đến hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm 17 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở các bản vùng cao huyện Thường Xuân ảnh 1Đường giao thông nông thôn ở bản Vịn (xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) được làm kiên cố khang trang. Ảnh: baothanhhoa.vn

Xây dựng nông thôn mới ở miền núi đã khó thì ở các thôn, bản vùng biên lại càng khó khăn hơn. Do vậy, những năm qua tỉnh đã có cách làm phù hợp để đạt kết quả tốt, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.

Bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) là bản đầu tiên được công nhận chuẩn nông thôn mới của huyện Thường Xuân. Chia sẻ về cách làm nông thôn mới mang đặc thù của một bản vùng biên còn nhiều khó khăn, ông Vi Thành Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Bát Mọt cho hay, có chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn từ ngày đầu xây dựng nông thôn mới, mới thấy hết được sự nỗ lực phi thường của cán bộ và nhân dân bản Vịn.

Để từng bước đưa bản Vịn hoàn thành các tiêu chí được công nhận là bản nông thôn mới, xã đã họp bàn, phân tích đánh giá từng thuận lợi, khó khăn để có hướng đi phù hợp. Với phương châm việc dễ làm trước, việc khó làm sau và quan trọng phải được sự đồng tình, ủng hộ của bà con dân bản, những tồn tại, hạn chế đã từng bước được tháo gỡ.

Tuy nhiên, trong 2 năm (2017-2018), bản Vịn liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt mưa lũ, sạt lở đất nên nhiều công trình giao thông nông thôn và các thiết chế văn hóa bị hư hỏng nặng nề. Rất may, sau thiên tai, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân trong bản một lần nữa đã hợp sức đồng lòng tái thiết lại toàn bộ.

Thấy được lợi ích thiết thực từ chương trình nông thôn mới và người dân trực tiếp được thụ hưởng nên họ rất hào hứng tham gia. Sức lao động của đồng bào đã biến những vườn hoang thành vườn cây ăn quả; đồi cây bụi thành mô hình trồng mận Tam Hoa; những đàn gà đồi, lợn cỏ được nuôi đại trà hơn…

Tiềm năng của vùng rừng núi đã được phát huy, những đàn trâu bò hàng trăm con liên tục sinh sôi phát triển. Đáng ghi nhận là mô hình phát triển du lịch cộng đồng đã được huyện Thường Xuân xây dựng tại đây.

Đã có 10 hộ gia đình đầu tiên được hỗ trợ để sửa chữa nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh hiện đại để đón khách. Quần thể cây di sản Việt Nam tại bản, cùng với vẻ đẹp núi rừng đã và đang trở thành tiềm năng để du lịch cộng đồng ở đây phát triển...

"Đến nay 100% số hộ tại Vịn có điện lưới, xe máy, ti vi. Không còn gia đình nào phải ở nhà tạm bợ dột nát. Cả bản có 178 hộ, đa phần đều phát triển chăn nuôi trâu bò nên kinh tế ngày càng khá giả. Gia đình nhiều nhất trong bản có tới 28 con trâu, tính trung bình cũng 20 triệu đồng mỗi con. Thu nhập bình quân đầu người của bản đã đạt hơn 33 triệu đồng/năm. Mỗi tuần một lần, đồng bào trong thôn lại tổ chức dọn vệ sinh. Chuồng trại chăn nuôi cũng được chúng tôi vận động phải xa nơi ở. Nhìn chung, ý thức về xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp đã được bà con hưởng ứng…" - ông Lang Hồng Tuyên, Trưởng bản Vịn vui mừng chia sẻ.

Hoàn thành 14/14 tiêu chí và được công nhận bản nông thôn mới vào tháng 9/2019, bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cũng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở các bản vùng cao của tỉnh Thanh Hóa.

Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban phát triển bản Năng Cát đã tuyên truyền và triển khai thực hiện phong trào cụ thể đến từng nhà dân, thu hút đông đảo dân bản nhiệt tình hưởng ứng.

Nhân dân trong bản đã đóng góp 1.240 công lao động, hiến khoảng 600m2 đất và nhiều tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, công trình nhà văn hóa. Đời sống từng bước được cải thiện, 100% đường giao thông trong bản được cứng hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 36,1 triệu đồng/năm…

Ông Hà Văn Cảnh, Trưởng bản Năng Cát cho biết, phát huy những tiêu chí đã đạt được, hiện bản đang triển khai xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu với quyết tâm giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là với những tiêu chí có khả năng biến động như môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người, giáo dục.

Bản còn xây dựng kế hoạch, quy chế bàn giao các công trình cơ sở hạ tầng được hưởng lợi từ các chương trình, dự án và nhân dân đóng góp cho các tổ quản lý của bản sử dụng bảo dưỡng. Phát huy tiềm năng lợi thế có nhiều nhà sàn truyền thống, bản định hướng phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ du khách nghỉ mát tại thác Ma Hao và tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng với đó, người dân cũng chuyển đổi cách phát triển kinh tế theo hướng phục vụ du lịch, trồng rau an toàn, các loại cây ăn quả phục vụ du khách…

Ông Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thanh Hóa cho biết, địa phương có tới 2.119 thôn, bản thuộc 211 xã miền núi; trong đó, có 122 thôn, bản thuộc các xã vùng biên đặc biệt khó khăn.

Để tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới ở những vùng đặc biệt khó khăn này, từ năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động xây dựng, thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới cấp thôn, bản ở các huyện miền núi. Năm 2014, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí và thực hiện trên diện rộng toàn tỉnh, nhờ đó đã đem lại kết quả tốt.

Tại các huyện có xã vùng biên và vùng đặc biệt khó khăn, mặc dù ngân sách còn eo hẹp, nhưng đã ban hành các cơ chế, chính sách và lồng ghép vốn đầu tư thuộc các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để hỗ trợ các thôn, bản xây dựng nông thôn mới như: xi măng làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển sản xuất...

Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản đã giúp người dân khu vực miền núi đặc biệt khó khăn phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tự giác trong công việc, giảm phụ thuộc, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Các thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

Cùng đó, người dân các bản vùng cao đã tích cực hưởng ứng phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; ngăn chặn hiệu quả tình trạng vượt biên, hoạt động truyền đạo trái phép, xâm lấn đường biên, cột mốc, hạn chế mê tín dị đoan. Nhiều bản đã có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng được giữ gìn, phát huy.



Khiếu Tư

(TTXVN_

Có thể bạn quan tâm