Sáng kiến "bếp củi cải tiến" của học sinh vùng cao

Sáng kiến "bếp củi cải tiến" của học sinh vùng cao
Xã Dào San, huyện Phong Thổ là xã vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thời tiết khắc nghiệt lạnh giá đặc biệt vào mùa đông. Trong sinh hoạt thường ngày, đồng bào các dân tộc nơi đây thường sử dụng củi để nấu nướng và sưởi ấm. 

Với các học sinh bán trú thì đều phải mang củi tới trường để đun nấu. Chính bởi những lý do trên, trong quá trình học tập, hai em Lý A Thồ và Dì A Tráng, học sinh lớp 11 trường THPT Dào San đã quan sát kỹ loại bếp mà người dân và các trường học sử dụng là bếp kiềng hoặc bếp lò để sáng tạo ra "bếp củi cải tiến" của riêng mình.

Ảnh minh họa- TTXVN
Ảnh minh họa- TTXVN

Lý A Thồ cho biết, những loại bếp trên có nhiều nhược điểm như tốn kém nhiên liệu do thất thoát nhiệt, gây khói bụi làm cho tường và trần nhà bị bám nhiều bụi đen bẩn, gây hại cho sức khỏe con người… Từ đó, em và A Tráng đã nghĩ ra ý tưởng phải làm thế nào để cải tiến một bếp củi có thể giảm được hiện tượng khói bụi lại có thể giảm thất thoát nhiệt, tiết kiệm củi, vừa đun được thật nhiều nước nóng cho đồng bào và các bạn học sinh của chúng em tắm, rửa. 

Vậy là Dự án “bếp củi cải tiến” của chúng em đã ra đời với sự giúp đỡ hướng dẫn của thầy giáo Vũ Ngọc Thuyết, giảng dạy bộ môn Vật lý trong trường.

Quá trình nghiên cứu, quan sát và làm thực nghiệm của ba thầy trò đã diễn ra ròng rã suốt 3 tháng (từ tháng 10 - 12/2015). Cứ sau giờ học, thầy trò lại mò mẫm từ bếp củi nhà dân đến bếp của trường để quan sát, ghi chép, tính toán rồi bắt tay làm thử, chưa đạt yêu cầu lại tiếp tục thực hiện lại. 

Thầy giáo Vũ Ngọc Thuyết cho biết: Tập trung vào nghiên cứu mới thấy cũng có rất nhiều vấn đề cần phải tính toán, thầy trò còn tìm hiểu về cả vật liệu xây bếp rồi bắt đầu mới làm mô hình thử nghiệm.

Lý A Thồ giới thiệu: Mô hình bếp củi cải tiến thử nghiệm được xây bằng các vật liệu gồm cát, đá, xi măng chịu nhiệt, gạch, thép. Đây đều là những vật liệu có sẵn, giá rẻ và dễ thi công. Bếp củi cải tiến được đúc bằng bê tông có hệ thống ống khói, bể nước, khóa nước, buồng đốt, bệ đặt nồi và cửa đốt. 

Khi cho củi vào cửa đốt để đun nấu, nhiệt lượng trong buồng đốt sẽ đồng thời đun nóng bể nước, có thể tiết kiệm được khoảng 35% số củi so với bếp thường của người dân...

Theo tính toán của nhóm nghiêm cứu, một gia đình người dân tộc Mông về mùa đông thường đun hết khoảng 20kg củi/ngày. Nếu sử dụng bếp củi cải tiến thì sẽ tận dụng được lượng nhiệt thải từ ống khói để đun được khoảng 80 lít nước nóng ở 56 độ C, đủ cho 5 đến 6 người tắm. 

Còn đối với các trường học bán trú như trường THPT Dào San, mỗi ngày thường đun hết khoảng 150 kg củi khô. Nếu dùng bếp củi cải tiến sẽ tận dụng nhiệt thải để đun được khoảng 1.200 lít nước nóng ở nhiệt độ khoảng 34 độ C, đủ cho khoảng 60 bạn học sinh tắm rửa mỗi ngày.

Với những sáng tạo trên, nhóm nghiên cứu đã đăng ký tham gia Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh bậc THCS và THPT năm học 2015 - 2016 tỉnh Lai Châu với suy nghĩ có một sân chơi khoa học, có sự cọ xát và lấy kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng niềm vui cho cả thầy và trò là Dự án trên không chỉ đoạt giải Nhì cấp tỉnh mà còn đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia 2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc. 

“Đây không chỉ là sự động viên rất lớn với ba thầy trò mà còn là niềm tự hào của nhà trường để tạo tiền đề khích lệ các em học sinh có những ý tưởng sáng tạo mới xuất phát từ thực tiễn cuộc sống”, Thầy Vũ Ngọc Thuyết cho biết.

Sáng kiến "bếp củi cải tiến" đã phần nào giúp các bạn học sinh vùng cao giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt, nhất là vào mùa đông. Lý A Thồ chia sẻ, với bếp củi cải tiến này nếu được đưa vào xây dựng và sử dụng đại trà cho các trường nội trú, bán trú và người dân ở vùng cao biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, lạnh giá thì đời sống của bà con sẽ bớt bớt vất vả. Các bạn học sinh sẽ không ngại đến trường vào mùa đông nữa.

Có thể bạn quan tâm