Sáng chế ấm tình thầy trò những ngày Đông giá rét

Sáng chế ấm tình thầy trò những ngày Đông giá rét

Mùa Đông khắc nghiệt với giá rét, sương muối, thậm chí cả băng tuyết khiến cho việc học tập của học sinh vùng cao Lào Cai càng khó khăn hơn. Thấu hiểu điều đó, thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát đã có sáng kiến chế tạo Hệ thống đun nước nóng cho học sinh sử dụng, góp phần giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở rẻo cao Bát Xát vượt qua những ngày giá rét, đảm bảo sức khỏe để học tập.

Sáng chế ấm tình thầy trò những ngày Đông giá rét ảnh 1Các em học sinh Trường THCS và THPT huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được sủ dụng nước nóng do sáng chế hệ thống đun nước nóng của thầy hiệu trưởng Vũ Xuân Quế. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN

Sinh năm 1984 ở quê lúa Thái Bình, thầy giáo Vũ Xuân Quế gắn bó với ngành Giáo dục Lào Cai từ năm 2009. Vốn là giáo viên dạy môn Vật lý, thầy Quế luôn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn cuộc sống dạy và học ở địa bàn vùng cao, vùng sâu còn nhiều thiếu thốn, gian khó. Từ năm 2019, thầy Quế đã bắt tay vào nghiên cứu hệ thống đun nước nóng công suất lớn với 3 bếp lò đun trấu được cải tiến lõi bếp và khay trấu, trong đó đường dẫn nước cũng được cải tiến để bơm một chiều từ bể lạnh qua các lõi nước của bếp ủ. Đặc biệt, hệ thống nước nóng của thầy Quế có thể tăng, giảm nhiệt độ đầu ra thông qua đồng hồ hẹn giờ. Ban đầu khi thiết kế, thầy Quế có ý tưởng chia ca cho học sinh tắm trong mùa đông từ 1-2 lần/tuần. Đến nay, lượng nước làm ra dồi dào, học sinh của trường có thể tắm hằng ngày.

Khi được hỏi về sáng kiến ủ nước nóng cho học sinh sử dụng, thầy Quế tâm sự: “Trước đây, khi còn công tác ở Trường Trung học Phổ thông Văn Bàn 4, tôi đã từng nghiên cứu đề tài tận dụng nhiệt thừa khi nấu ăn làm bình nóng lạnh theo nguyên tắc đối lưu nhưng còn hạn chế là lượng nước ít, chỉ khoảng 150-200 lít, học sinh phải ngồi trực tiếp đun bếp vất vả, lại không liên tục. Trong một lần đun bếp, tôi chợt nhớ ngày nhỏ thường vùi trấu nấu cám nuôi lợn giúp bố mẹ, dù chỉ sử dụng lượng trấu nhỏ nhưng sau một đêm vùi trấu, nồi cám 30 - 50 lít không chỉ sôi chín mà còn rất nhừ. Điều đó trở thành cơ sở để tôi nghĩ ra nguyên tắc ủ nước nóng cho học sinh. Nghĩ là làm, ngay sau đó, tôi đã cùng các thầy, cô giáo khác trong trường xây công trình cấp nước nóng miễn phí cho học sinh như hiện nay”.

Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát, nằm ở trên đồi cao, cách trung tâm xã Mường Hum (Bát Xát) khoảng 800m. Nhà trường và khu ký túc xá bán trú của hơn 350 học sinh là người dân tộc thiểu số nằm ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển nên mùa đông rất rét, thường từ 8-10 độ C.

Em Tẩn Lở Mẩy, học sinh lớp 10A Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát cho biết, có nước nóng sinh hoạt hằng ngày, các em rất vui, vì không bị lạnh rét, vệ sinh sạch sẽ hằng ngày nên sức khỏe tốt hơn, học tập hiệu quả hơn. Trước đây, trong những ngày mùa Đông có băng tuyết, giá rét, gây khó khăn cho cuộc sống vì nhiệt độ xuống thấp đã ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt và việc học tập của học sinh nhà trường. Nhờ có hệ thống cung cấp nước nóng miễn phí 24/24 giờ, hàng trăm học sinh nơi đây đã không còn bị lạnh cóng buổi sáng khi đánh răng, rửa mặt và tắm vào buổi tối, bảo đảm sức khỏe và xóa đi vất vả lên rừng kiếm củi về đun nước nóng.

Công trình cấp nước nóng do thầy Hiệu trưởng Vũ Xuân Quế sáng chế gồm ba phần chính: hệ thống bơm nước (đầu vào), hệ thống bếp ủ và hệ thống bình bảo ôn nước nóng (đầu ra). Nước được bơm một chiều từ bể lạnh qua các lõi nước (ống đồng xoắn ruột gà) của bếp ủ sẽ hấp thụ nhiệt và tạo nên nguồn nước nóng 60-70 độ C. Nước nóng sẽ được dẫn đến bình bảo ôn để cung cấp cho học sinh sử dụng hằng ngày. Công trình sử dụng công nghệ ủ giữ nhiệt đã giúp hạn chế tối đa việc thất thoát nhiệt lượng khi đun bếp, không phải bố trí người trông coi trực tiếp quá trình đun nước nhưng vẫn có nước nóng dùng liên tục 24/24 giờ. Một ngày, lượng nước nóng từ hệ thống có thể đạt từ 6.000 - 8.000 lít, nhiên liệu được tận dụng từ rất nhiều loại như trấu, mùn cưa, lõi ngô rất sẵn có ở địa phương nên rất dễ kiếm. Nhờ vậy, mỗi tháng, nhà trường có thể tiết kiệm được từ 3-5 triệu đồng tiền điện nếu phải dùng để đun nước nóng.

Không còn phải lên rừng kiếm củi, không phải vất vả trông bếp đun nước như trước kia, giờ đây, sau mỗi buổi học, hơn 300 học sinh bán trú của Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát đều có thể sử dụng nước nóng thoải mái để vệ sinh cá nhân. Kể từ khi được đưa vào sử dụng, hệ thống đun nước nóng này đã giúp các em yên tâm học tập, sinh hoạt, nhất là vào thời điểm mùa Đông giá rét, nhờ vậy sức khỏe bảo đảm, chất lượng học tập được nâng lên. Bên cạnh đó, nhà trường hướng dẫn các em tận dụng nguồn tro bếp thải ra để chăm bón, trồng rau xanh, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Theo thầy Vũ Xuân Quế, chi phí xây dựng, lắp đặt hoàn chỉnh một hệ thống cấp nước nóng bằng các vật liệu như ống đồng hoặc ống inox, téc chứa nước inox, xi măng, gạch chỉ… chỉ từ 20 - 25 triệu đồng. Chính vì giá thành thấp nên rất phù hợp với khả năng của các trường học vùng cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bát Xát cho biết, mô hình chế tạo Hệ thống đun nước nóng cho học sinh sử dụng của Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát được đánh giá rất cao và đang được nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn. Đặc biệt, bước vào mùa đông 2020, nhiệt độ trên địa bàn Lào Cai liên tục giảm thấp, thầy Vũ Xuân Quế đã cùng với các thầy, cô giáo trong trường nỗ lực nhân rộng sáng chế hữu ích, thiết thực cho học sinh vùng cao mùa Đông giá rét của 8 trường học ở các huyện Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương của tỉnh.

Thầy Vũ Xuân Quế còn chia sẻ sáng kiến của mình cho Trường Dân tộc Nội trú ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang và Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Ninh Bình. Sau khi được đề nghị giúp đỡ, thầy Quế đã hướng dẫn tỷ mỉ cách thức, công nghệ và cử người sang hoàn thành công trình cho trường dân tộc nội trú ở các tỉnh bạn. Sáng chế của thầy giáo Vũ Xuân Quế đã làm ấm tình thầy trò những ngày Đông, giá rét, giúp hàng nghìn học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn bảo vệ sức khỏe, duy trì sĩ số đến lớp và nâng cao chất lượng học tập.

Hồng Ninh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm