Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Đắk Mil: Nông dân tích cực vào cuộc

Sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao ở Đắk Mil: Nông dân tích cực vào cuộc
PHÁT HUY THẾ MẠNH CÂY TRỒNG CHỦ LỰC

Hiện nay, ở Đắk Mil, việc cải tạo vườn cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây là việc làm phổ biến ở mỗi gia đình. Nhờ đó, nhiều vùng sản xuất cà phê của địa phương như được thay “áo mới”.

Gia đình ông Nguyễn Chí Tâm ở tổ dân phố 1, thị trấn Đắk Mil có gần 17 ha cà phê kinh doanh. Nhưng trước đây, gia đình ông chủ yếu sử dụng giống do địa phương tự sản xuất, chưa qua chọn lọc, lai tạo nên vườn cà phê bị nhiễm bệnh, thoái hóa, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/ha. Sau nhiều lần tìm cách cải tạo vườn cà phê kém năng suất của vườn nhà, ông được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn cách ghép chồi trên cây cà phê của gia đình.

Ông Tâm cho biết: Khi đã có kiến thức về kỹ thuật ghép chồi cà phê, tôi trực tiếp đến Trung tâm Giống cây trồng, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để được tư vấn và mua chồi ghép. Ban đầu, tôi ghép trước 1 ha, sau đó lần lượt chọn những diện tích cà phê kém năng suất, già cỗi để ghép thêm. Với biện pháp ghép chồi như vậy, vườn cà phê của gia đình ông Tâm chỉ sau 2 mùa mưa là cho thu bói, đến năm thứ 3, năng suất có thể đạt từ 3 - 4 tấn/ha.

Vườn cà phê ghép chồi của gia đình ông Nguyễn Chí Tâm ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) sinh trưởng, phát triển vượt trội
Vườn cà phê ghép chồi của gia đình ông Nguyễn Chí Tâm ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) sinh trưởng, phát triển vượt trội
Còn gia đình ông ông Trần Văn Châu ở xã Đức Mạnh là một trong những hộ trồng bơ ghép xen trong vườn cà phê đạt hiệu quả cao. Nhờ chăm sóc, phòng nấm bệnh đúng kỹ thuật, vườn bơ trên 100 gốc của gia đình ông luôn xanh tốt, ra hoa đậu quả vượt trội so với những giống bơ địa phương.

Ông Hiệp cho biết: Lâu nay, hầu hết người dân đều quan niệm trồng bơ không cần chăm sóc, phân bón, phòng dịch, cây bơ vẫn ra hoa, đậu quả. Nhưng đối với tôi, nếu trồng bơ mà biết cách chăm sóc, áp dụng đầy đủ quy trình kỹ thuật thì không những tuổi thọ của cây bơ được kéo dài mà năng suất, chất lượng cũng được nâng lên hơn rất nhiều.
Hiện nay, vườn bơ của ông Châu đang mới vừa thu hoạch xong. Theo ông Châu thì vụ này, vườn bơ xen của gia đình năng suất đạt từ 13 - 15 tấn quả. Với giá mua tại thời điểm chính vụ bình quân khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Theo nông dân thì việc canh tác trồng kết hợp giữa cây bơ ghép, cà phê trên cùng một diện tích đất và phân bố hợp lý trong không gian sinh trưởng sẽ giúp các loại cây xen canh có điều kiện cộng sinh, tác động qua lại lẫn nhau cả về phương diện sinh thái lẫn kinh tế theo hướng có lợi. Nhờ đó, việc trồng xen cây bơ trong vườn cà phê không những không ảnh hưởng tới cây cà phê mà còn tạo môi trường thích hợp cho cây cà phê, đồng thời giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập không nhỏ so với độc canh.

NGHỊ QUYẾT DẦN ĐI VÀO ĐỜI SỐNG

Theo đồng chí Lê Văn Dương, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk Mil, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn huyện đã thu được những kết khả quan không chỉ về quan điểm, nhận thức mà còn cả về hiệu quả kinh tế.

Nhìn tổng quan về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp ngày càng được cải thiện, nhất là một số sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó, sản lượng cây lương thực có hạt năm 2015 đạt 94.612 tấn, tăng 4.250 tấn so với năm 2010; sản lượng cà phê đạt 45.078 tấn, tăng 2.148 tấn so với năm 2010; sản lượng cao su mủ tươi đạt 796 tấn, tăng 91 tấn so với năm 2010.

Năng suất lúa bình quân từ 5,45 tấn/ha năm 2010 tăng lên 5,75 tấn/ha.Chất lượng sản phẩm nông nghiệp qua đó cũng được cải thiện, tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và tham gia các chương trình phát triển bền vững, áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp…

Huyện cũng đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế và được nhân dân các xã triển khai nhân rộng như mô hình xoài trái vụ; trồng bơ ghép, ghép cải tạo vườn cà phê, trồng hoa ly ly, nuôi cá rô phi, nuôi gà công nghiệp, lúa lai, nuôi bò thịt, nuôi heo thịt tập trung, chăn nuôi hươu, nai… Toàn huyện cũng có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình, với diện tích hơn 1.400 ha tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ...

Để phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đắk Mil sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa để cán bộ, đảng viên, người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, địa phương cũng quan tâm tổ chức lại sản xuất, chú trọng thành lập các tổ hợp tác, tạo được sự liên kết giữa doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh việc đầu tư vào những khâu quan trọng như giống, kỹ thuật canh tác và khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch, địa phương sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng về nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giao đất, cho thuê đất để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, ưu tiên sản xuất tập trung, mở rộng vườn cây giống đầu dòng, chế biến sau thu hoạch…
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm