Sản xuất cà phê thích nghi với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên

Sản xuất cà phê thích nghi với biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên
Nghiên cứu giống cà phê tại phòng thí nghiệm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Nghiên cứu giống cà phê tại phòng thí nghiệm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên  tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong vài năm trở lại đây, biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên không chỉ làm tăng nhiệt độ, tăng hàm lượng CO2 mà còn làm thay đổi quy luật thời tiết, nắng nóng, mưa lũ xuất hiện ngày càng nhiều, bất thường nên càng làm tăng nguy cơ, mức độ rủi ro trong sản xuất nông, lâm nghiệp nói chung và sản xuất cà phê nói riêng. Để đối phó với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đang tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn kết hợp với quy hoạch tổng thể lại vùng sản xuất cà phê để đảm bảo tính bền vững.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành quy hoạch ổn định diện tích cà phê xuống chỉ còn 530.000 ha (giảm gần 53.000 ha so với trước), đây là vùng diện tích chủ động được nguồn nước tưới, có đất đai, khí hậu thích nghi với cây cà phê. Viện cũng khuyến cáo đến các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên chuyển đổi cơ cấu giống thích hợp, chủ yếu là đưa các bộ giống mới vào trồng đại trà để thích nghi với biến đổi khí hậu. Đó là bộ giống cà phê vối chín trung bình (tầm chín từ tháng 11 đến tháng 12), gồm các giống như TR4, TR5, TR7, TR8, TR13, TR9, TR11, TR12 và bộ giống chín muộn (tầm chín từ đầu tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau), với các giống như TR6, TR14, TR15.  Đây là các bộ giống cà phê vối không những cho năng suất cao từ 5 đến 7 tấn cà phê nhân/ha mà còn có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kháng cao với bệnh gỉ sắt.

Ngoài việc khuyến cáo mở rộng việc trồng cây che bóng lâu dài trong vườn cà phê, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên còn khuyến khích các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thực hiện trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê để vừa có tác dụng làm cây che bóng, vừa tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất độc canh cây cà phê. 

Kiểm tra sự phát triển của diện tích cây cà phê giống năng suất cao tại vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Kiểm tra sự phát triển của diện tích cây cà phê giống năng suất cao tại vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Thực tế, hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông các nông hộ trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê đã làm tăng thêm thu nhập cho gia đình từ 40 đến 80%, trồng xen cây bơ cho thu nhập tăng thêm từ 50 đến 90%, trồng tiêu bám trên cây trụ sống trồng làm cây che bóng trong vườn cà phê như muồng đen, keo dậu cho thu nhập tăng thêm từ 40 đến 120%.

Viện cũng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp kỹ thuật, mật độ trồng từng loại cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê, cụ thể như 1ha cà phê kinh doanh chỉ trồng xen 90 cây sầu riêng, 92 cây bơ và 370 trụ tiêu. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 35,47% diện tích cà phê trồng xen các loại cây ăn quả lâu năm, hoặc cây che bóng, chắn gió.

Ngoài ra, việc trồng xen đã làm cho năng suất vườn cà phê ổn định, chu kỳ tưới nước cho cà phê vào mùa khô được kéo dài hơn (do cây che bóng làm hạn chế được quá trình bốc thoát nước), năng suất vườn cà phê ổn định, đồng thời, việc trồng xen trong vườn cà phê còn làm tăng hiệu quả sử dụng nước lên 17,7% (để sản xuất 1 tấn cà phê nhân khi vườn cà phê có trồng xen thì chỉ cần 500 mét khối nước, trong khi đó vườn cà phê trồng thuần cần đến 600 mét khối nước). 

Chăm sóc diện tích cây cà phê giống năng suất cao tại vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Chăm sóc diện tích cây cà phê giống năng suất cao tại vườn ươm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên cũng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hình thức tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt tại từng gốc cà phê, với lượng nước chỉ cần 350 đến 380 lít/cây/lần tưới, với chu kỳ tưới 20 ngày/lần để không những giảm chi phí đầu tư cho công tưới mà còn tiết kiệm từ 400 đến 600 lít nước/lần tưới/gốc, bón phân thông qua tưới nước…

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông- Lâm nghiệp Tây Nguyên còn hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê kinh doanh, quản lý IPM hoặc kỹ thuật bón phân cho cây cà phê dựa vào độ phì của đất và năng suất cà phê… trong thời kỳ biến đổi khí hậu để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha cà phê, trong đó có 548.533 ha cà phê kinh doanh, sản lượng mỗi năm đạt từ 1,35 triệu tấn cà phê nhân trở lên; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhân nhiều nhất.
Quang Huy

Có thể bạn quan tâm