Sản vật đặc hữu từ tinh túy đất trời và bàn tay cần cù lao động

Sản vật đặc hữu từ tinh túy đất trời và bàn tay cần cù lao động
Nếp hương - đặc sản nổi tiếng thơm ngon của xã Xuân Trường (Bảo Lạc).
Nếp hương - đặc sản nổi tiếng thơm ngon của xã Xuân Trường (Bảo Lạc).
GẠO NẾP - NGỌC THƠM TỪ ĐẤT LỌC HẠT

Nói đến gạo nếp Cao Bằng, nhiều khách xa, gần đến và được thưởng thức những món ăn làm từ gạo nếp, như: cốm, xôi ngũ sắc, xôi trám đen, xôi trứng kiến, khẩu lam (gạo nếp nấu trong ống nứa), bánh chưng bánh khảo ngày Tết…, đều trầm trồ khen ngợi gạo nếp thơm ngậy, dính, dẻo ăn xong hương thơm vẫn lan tỏa trong vị giác. Thực khách khen gạo nếp Cao Bằng khá hoa mỹ “Mỗi hạt gạo nếp như ngọc thơm từ đất lọc hạt. Đã thưởng thức một lần thì muốn ăn mãi”. 

Để có được gạo nếp - “hạt ngọc thơm” là cả quá trình hạt lúa sinh trưởng từ hấp thu dưỡng chất đất, tinh khí trời và bàn tay con người cần cù lao động chăm sóc. Mỗi một vùng đất, đới khí hậu phù hợp với một loại lúa nếp thơm ngon riêng. Cao Bằng có lúa nếp ngon nổi tiếng như nếp hương (Xuân Trường, Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc), nếp hương Trùng Khánh, Nguyên Bình, nếp Pì Pất Hòa An…, được Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) chấm 27 - 28 điểm, đạt gần tối đa so với điểm cao nhất.

Theo phân tích của ông Hoàng Thái, chuyên gia giống, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Cao Bằng có đất màu mỡ, nhiều đới khí hậu bởi địa hình chia cắt mạnh do nhiều dãy núi cao, nhiều vùng đất độ cao 400 - 1.000 m so với mực nước biển là điều kiện lý tưởng cho trồng trọt. Vì vậy, gạo nếp cũng như các loại cây trồng khác, sinh trưởng được hấp thu dưỡng chất đất màu mỡ, khí hậu đủ 4 mùa/ngày nên hấp thu nhiều chất dinh dưỡng, quang hợp nhiều độ ấm, ẩm vào quá trình tạo hạt. Do đó, từ khi lúa trổ bông bắt đầu ngậm sữa đến khi chắc hạt chín đã có mùi thơm. Lúa nếp xát xong  hạt trắng như ngọc, nấu xôi trắng bóng, dính, dẻo, thơm ngào ngạt…Vì thế mà gạo nếp Cao Bằng trở thành sản vật đặc hữu, có thương hiệu uy tín hiếm nơi nào sánh bằng.

TRÁI “VÀNG” THƠM NGỌT XỨ SƯƠNG MÂY

Không chỉ có gạo nếp thơm ngon mà Cao Bằng còn có nhiều loại quả đặc sản ngon nổi tiếng như: quýt Trà Lĩnh, Thạch An, Nguyên Bình; cam Trưng Vương, Hòa An; lê Thạch An, Bảo Lạc, Nguyên Bình; hạt dẻ Trùng Khánh... Đặc biệt, ai cũng muốn mua quýt, hạt dẻ Cao Bằng về cúng tổ tiên, ăn trong ngày Tết.

Lê Đông Khê nằm trong tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Phòng Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ và các địa phương công nhận.
Lê Đông Khê nằm trong  tốp 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam được Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Phòng Chỉ dẫn địa lý của Cục Sở hữu trí tuệ và các địa phương công nhận.
Người tiêu dùng ví trái quýt, cam, lê ngon nổi tiếng Cao Bằng như “Trái vàng thơm ngọt xứ sương mây”. Quả quýt, cam khi chín vỏ bóng, vàng tươi rực rỡ, nhìn thấy quả đã khơi dậy vị giác muốn ăn ngay. Chỉ khẽ bóc vỏ hương dầu vỏ quýt, cam đã tỏa mùi thơm nức. Múi quýt, cam tép to, bóng nước màu vàng tươi, ăn vào vị hơi chua nhưng rất thơm, ngọt bởi giàu vitamin, đường tươi tự nhiên. Quả lê ra loại hoa trắng đẹp từ mùa xuân đến mùa thu quả chín. Loại quả này dạng đặc nhưng nhiều nước, khi chín quả to, mọng vỏ màu vàng sậm hoặc xanh (lê xanh), ăn giòn, vị chát ngọt, thơm dịu,  giá trị dinh dưỡng cao.

Trái quýt, cam, lê ngon chỉ sinh trưởng tại một số xã, huyện có đới khí hậu mát mẻ, nhiều sương, đủ ấm, lạnh nhưng có nắng hanh để trái bắt đầu chín hấp thu đủ độ ẩm, ánh sáng tạo dưỡng chất, quả chín đẹp. Cùng với đất, khí hậu ưu đãi, từ nhiều đời nay, nông dân các vùng này luôn trồng, chăm sóc, bảo tồn giống quýt quý coi như sản vật quý hiếm, niềm tự hào của địa phương. Chị Phạm Huyền Hoa, 55 Đào Tấn, Hà Nội - du khách có nhiều lần đến Cao Bằng, nhận xét: Tôi đi nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, thưởng thức nhiều loại quýt, cam, lê, mận…, nhưng thích nhất các quả đặc sản Cao Bằng vì không chỉ đẹp hình thức, mà ăn rất ngon, có vị riêng, an toàn, nơi khác khó sánh được.

Những năm gần đây, được sự quan tâm Nhà nước, cơ quan chuyên môn, quýt, cam, lê, hạt dẻ, mận máu…, Cao Bằng được phục tráng giống, bảo tồn nguồn gien quý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, có uy tín trên thị trường nên khuyến khích nông dân trồng cây ăn quả đặc sản thoát nghèo và vươn lên làm giàu.  

“TRÀ TIÊN NƠI XỨ TRỜI” 

Nói về trà Cao Bằng không có truyền thống trồng lâu đời, nhưng có lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng khó nơi nào có được. Trà Tiên của Công ty TNHH Kolia tuy mới phát triển nhưng lọt vào danh sách sản phẩm đặc hữu. Nhà báo Đỗ Quang Tuấn Hoàng, Báo Sài Gòn giải phóng - chuyên gia tìm hiểu viết về chè Việt Nam nhận xét: Trà Tiên pha nước xanh trong, hương thơm lan tỏa, chỉ nhấp thôi cảm nhận được vị chát ngọt dịu, cảm giác khoan khoái tinh thần. Để có trà ngon, chất lượng cao, nhiều công dụng như vậy thì từ trồng chè đến thu hái, chế biến rất công phu và ngặt nghèo mới giữ được dưỡng chất quý của chè cho người dùng.

Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng tại Fetival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015.
Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng tại Fetival trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 3, năm 2015.
Khách ẩm thực gọi “Trà Tiên nơi xứ trời” quả không ngoa. Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, sáng lập Công ty TNHH Kolia cho biết: Tôi chọn đất Phja Đén vì có dãy núi quanh năm sương phủ, khí hậu mát 16 - 20 độ C, độ cao trên 800 m so với mực nước biển thì mới phù hợp với giống chè quý như Ô long, Bát Tiên… Cùng với ưu đãi từ thổ nhưỡng và khí hậu, Công ty trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho ra chè sạch, chất lượng cao cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm chè chất lượng là sự công phu từ chọn đất cùng với kỹ thuật chăm bón, chọn hơn 10 loại phân sạch bón riêng cho từng loại chè. Khi thu hái chế biến phải qua hơn 10 công đoạn, phơi sương, sấy, ủ, tạo mùi hương…, để chè giữ được dưỡng chất quý tự nhiên, người tiêu dùng dùng chè có thêm sức khỏe. Vì vậy, Trà Tiên của Công ty THNN Kolia có thị trường trong, ngoài tỉnh và vươn xa ra thị trường nước ngoài

Ngoài những sản vật quý trên, Cao Bằng còn có đặc sản miến dong, các loại nấm, măng khô… Sản vật đặc hữu của Cao Bằng đang được cấp ủy, chính quyền của tỉnh, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình phát triển sản xuất thành hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020. Trong tương lai không xa, Cao Bằng có nhiều sản vật đặc hữu đưa ra thị trường trong và ngoài tỉnh phục vụ nhu cầu thực phẩm chất lượng, phong phú cho người tiêu dùng.
 
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm