Sản phẩm OCOP ở Gia Lai giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn

Sản phẩm OCOP ở Gia Lai giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn

Sau 2 năm nỗ lực triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 149 sản phẩm của 53 xã, phường, thị trấn đã được tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn chất lượng, trong đó 22 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao tăng gần 100 sản phẩm so với mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai đã dần khẳng định được chất lượng, giá trị, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân vùng nông thôn.

 Cụ thể, bộ 3 sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí của gia đình anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa cho giá trị gia tăng đạt 30% so với sản phẩm tiêu thường. Đặc biệt, ngoài danh hiệu là sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và Khu vực năm 2020, các sản phẩm tiêu hữu cơ Lệ Chí còn được tổ chức quốc tế Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Hiện giá tiêu đóng gói thương hiệu tiêu hữu cơ Lệ Chí cung cấp cho các nhà phân phối, siêu thị, đại lý… là 180.000 đồng/kg tiêu đen, 300.000 đồng/kg tiêu sọ và 350.000 đồng/kg tiêu đỏ, giá trị cao hơn nhiều lần so với tiêu được bán trôi nổi trên thị trường.

Sản phẩm OCOP ở Gia Lai giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn ảnh 1Thu hoạch tiêu hữu cơ của gia đình anh Huỳnh Mau ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Anh Công chia sẻ, sau khi tham gia chương trình OCOP, anh đã định hướng được cách canh tác làm sao để sản phẩm của mình làm ra đáp ứng được thị trường khó tính hiện nay, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm. Đặc biệt, tham gia chương trình OCOP, anh đã kết nối được với người tiêu dùng và mở rộng thị trường mang lại lợi ích rất lớn. Hiện gia đình anh có 3 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh gồm: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu đen cộng với việc hoàn thiện dây chuyền sản xuất, bao bì, giá trị mang lại tăng 30%.

Sản phẩm chả cá thác lác của gia đình ông Ngô Viết Giỏi ở thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện cũng được đánh giá là sản phẩm tiềm năng mang lại giá trị kinh tế về sản lượng tăng 1,5 lần, với mức thu nhập gần 150 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Sản phẩm chả cá thác lác của gia đình ông Giỏi được làm từ nguồn cá tự nhiên của hồ thủy lợi Ayun Hạ nên chất lượng rất đảm bảo và thơm ngon.

Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng biết đến, đến nay, gia đình ông đã mở được 6 đại lý cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như: thành phố Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Vũng Tàu và tỉnh Quảng Nam.

Ông Giỏi chia sẻ, "trước kia gia đình chúng tôi chỉ làm nhỏ lẻ, từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ tham gia chương trình OCOP thì sản phẩm của chúng tôi được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Hiện gia đình chúng tôi đã mở rộng được 6 đại lý trong và ngoài tỉnh, nhờ đó thu nhập tăng gấp rưỡi so với trước đây và cuộc sống đã ổn định hơn".

Ông Phạm Văn Quyến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, đến thời điểm này, huyện Phú Thiện có 3 sản phẩm được công nhận là sản phẩm gạo Phú Thiện đạt 4 sao, 2 sản phẩm cá thác lác đạt 3 sao. Việc tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực, hiện quả; trước hết phải kể đến các sản phẩm có chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, được khách hàng ưa chuộng và tín nhiệm nhiều hơn.

Sản phẩm OCOP ở Gia Lai giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn ảnh 2Đóng gói sản phẩm OCOP 3 sao chả cá thác lác của gia đình ông Ngô Viết Giỏi ở thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Đặc biệt, các sản phẩm bán ra ngày càng cao, có thời điểm không có hàng để bán, điều này mang lại lợi nhuận tăng gấp 1,5- 2 lần so với trước khi tham gia chương trình. Ngoài ra, tạo công việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Các sản phẩm OCOP được công nhận đã có bước tiến rõ nét về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì và đảm bảo quy định nhãn mác cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, mức giao thương và tiêu thụ hàng hóa đã tăng 20%, cá biệt, một số chủ thể đã xuất khẩu thành công qua châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA), đánh dấu sự phát triển chuỗi nông nghiệp bền vững theo giá trị sản phẩm, đảm bảo cung ứng chất lượng, số lượng cho thị trường khó tính.

Điển hình, trong tháng 9/2020, 2 đơn vị đứng chân trên địa bàn là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (huyện Mang Yang, Gia Lai) và Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (thành phố Pleiku, Gia Lai) đã xuất khẩu lô chanh leo và cà phê đầu tiên sang thị trường châu Âu sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai Vũ Ngọc An, các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai khi tham gia giao thương hàng hóa đã tăng 20% so với khi chưa tham gia chương trình. Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.

Sản phẩm OCOP ở Gia Lai giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn ảnh 3Các sản phẩm OCOP 4 sao tiêu hữu cơ Lệ Chí của gia đình anh Nguyễn Tấn Công ở xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

"Để các sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để sản phẩm đến gần với dân hơn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền http://ocopgialai.vn", ông An cho biết thêm.

Qua thực tế cho thấy, chương trình mỗi xã một sản phẩm ra đời đã tạo dựng một định hướng xu thế mới cho người dân vùng nông thôn là hướng đến sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, bền vững. Các sản phẩm OCOP hình thành đã khai thác tối đa tiềm năng vùng miền và khẳng định được giá trị thương hiệu, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người tiêu dùng và xã hội. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tăng thu nhập tiến tới xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn.

Nguyễn Hoài Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm