Sân chim Vàm Hồ

Sân chim Vàm Hồ
Du khách yêu thích thiên nhiên nên một lần đến khám phá sân chim Vàm Hồ. Ảnh: Internet
Du khách yêu thích thiên nhiên nên một lần đến khám phá sân chim Vàm Hồ. Ảnh: Internet
Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn với nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước, chà là, đước, mắm là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy... là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản. Sân chim Vàm Hồ thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre khoảng 52km. Sân chim Vàm Hồ là địa điểm du lịch hấp dẫn với vẻ đẹp và sự đa dạng của các loài chim. Quần thể chim ở sân chim Vàm Hồ khoảng 84 loài. Khách đến đây tham quan đông nhất là từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, bởi đó là thời gian chim về sân chim Vàm Hồ cư trú, sinh sản nhiều nhất trong năm.

Những du khách yêu thích thiên nhiên nên một lần đến thăm sân chim Vàm Hồ. Đến đây, du khách sẽ được nghe tiếng chim cuốc gọi đàn giữa đêm tĩnh mịch, tiếng bìm bịp kêu như một điệp khúc gọi con nước lớn… Âm thanh của các loài chim hoang dã kết hợp với tiếng xào xạc của cây lá sẽ tạo thành một bản hợp xướng tuyệt vời của thiên nhiên. Vào mùa sinh sản, tổ của các loài chim treo oằn trên các ngọn cây sẽ để lại cho du khách những ấn tượng khó phai về nét đẹp gần gũi, thân thương của vùng đất này. 

Sân chim Vàm Hồ đẹp nhất vào buổi chiều tối. Khi đó, từng đàn cò lượn lờ dưới ánh hoàng hôn rồi nhẹ nhàng đáp lên thảm rừng cây xanh biếc. Đó cũng là lúc không gian yên tĩnh của nơi này bị hàng ngàn tiếng chim phá vỡ mang đến cảm giác vừa ồn ào, vừa yên bình của nơi “đất lành chim đậu”. Tới thăm sân chim Vàm Hồ, du khách được đi dạo trong rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngả lưng trên chiếc võng đung đưa dưới tán lá rừng, hít thở không khí trong lành của dòng sông Ba Lai.

Sân chim Vàm Hồ là một tài sản quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Bến Tre. Đến đây, du khách sẽ tận hưởng bầu không khí trong lành, cũng như được khám phá nhiều điều thú vị của rừng ngập mặn, được dịp tìm hiểu thêm đời sống đặc trưng của người dân vùng sông nước miền Tây.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm