Sắc xuân trên “thánh địa” sâm

Đồng bào Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Văn Phương
Đồng bào Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Văn Phương

Những năm gần đây, đời sống của đồng bào Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) được cải thiện nhiều nhờ cây sâm Ngọc Linh. Đến với vùng đất được mệnh danh là “thánh địa” của loài sâm quý này, không khí ngày xuân đang tràn ngập trên khắp các nẻo đường và trong mỗi ngôi nhà của đồng bào Xê-đăng...

Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 1Đồng bào Xê-đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng và phát triển sâm Ngọc Linh. Ảnh: Văn Phương

Tu Mơ Rông từng là huyện nghèo với dân số phần lớn là đồng bào Xê-đăng. Nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, đồng bào đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều bản làng ở Tu Mơ Rông đã “thay da đổi thịt” với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm. Con em có thể yên tâm đến trường, không còn phải nghĩ đến “cái ăn, cái mặc” như trước nữa. Tại thôn Tân Ba, xã Tê Xăng, chúng tôi gặp anh A Khoa đang phấn khởi lên rẫy chăm sóc vườn sâm. Vui vẻ bắt chuyện, anh cho biết sâm dây năm nay có giá cao nên gia đình hốt bạc, Tết này có tiền tiêu rủng rỉnh. “Nhà mình trước kia là hộ nghèo. Được sự hỗ trợ của xã, mình trồng 2 sào sơn tra và sâm dây, mỗi năm có thêm thu nhập 50 triệu đồng. Năm 2021, gia đình mình đã thoát nghèo. Tới đây, mình sẽ trồng thêm sâm để vươn lên là hộ khá giả”, A Khoa hồ hởi nói.

Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 2Các đại biểu cắt băng khai mạc “Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch” ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Khoa Chương
Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 3Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông nhận cây sâm Ngọc Linh giống. Ảnh: Khoa Chương

Trong làn mưa xuân nhè nhẹ, xe chúng tôi men theo triền núi đến xã Măng Ri, nơi từng là căn cứ cách mạng Tỉnh ủy Kon Tum. Nhờ nhanh nhạy đầu tư phát triển dược liệu, nhiều nông dân chân đất ở đây đã trở thành tỷ phú. Ông Dương Đình Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) xã rất tự hào khi nói đến những tỷ phú người Xê-đăng: “Là nông dân chân lấm tay bùn nhưng họ rất nhạy bén, biết nắm bắt cơ hội để đầu tư và trở thành những tấm gương tiêu biểu về vượt khó làm giàu trên địa bàn”.

Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 4Du khách tham quan sản phẩm tại “Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm đặc hữu gắn với du lịch” ở huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: Khoa Chương

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, dược liệu được xác định là cây trồng chủ lực, cây giảm nghèo và làm giàu của đồng bào. Giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo thì khoảng 70% trong đó nhờ trồng cây dược liệu. Riêng năm 2022 vừa qua, tính riêng 3 xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây đã có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu, đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn 10 tỷ đồng.

Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 5Kiểm tra chất lượng sâm củ Ngọc Linh. Ảnh: Cao Nguyên
Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 6Sâm Ngọc Linh được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Tu Mơ Rông giúp đồng bào Xê-đăng thoát nghèo bền vững. Ảnh: Văn Phương
Sắc xuân trên “thánh địa” sâm ảnh 7Nhiều năm qua, đồng bào dân tộc trong tỉnh Kon Tum rất quan tâm bảo tồn và phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: Văn Phương

Tu Mơ Rông hiện có 2.937 ha cây dược liệu, trong đó có 1.715 ha sâm Ngọc Linh; 19 sản phẩm OCOP liên quan đến dược liệu. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích sâm Ngọc Linh đạt 2.960 ha, cây dược liệu khác là 1.761 ha và đến năm 2030, diện tích sâm Ngọc Linh đạt 6.000 ha, cây dược liệu khác đạt 3.150 ha.

Văn Phương - Khoa Chương

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm