Sắc màu văn hóa bản địa huyện Ba Bể

Sắc màu văn hóa bản địa huyện Ba Bể
Đua thuyền độc mộc, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc trong Hội xuân Ba Bể. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
 Đua thuyền độc mộc, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc trong Hội xuân Ba Bể. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Sắc màu văn hóa bản địa

Trong tuần du lịch sẽ có nhiều hoạt động hấp dẫn, mà điểm nhấn là chương trình trưng bày, giới thiệu văn hóa du lịch Bắc Kạn. Ngoài ra còn Lễ hội hoa đăng vào tối 20-10 tại hồ Ba Bể; chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại Khu tổ chức Lễ hội Lồng tồng Ba Bể với các hoạt động thi đấu thể thao sôi nổi (kéo co, đẩy gậy, tung còn, bắn nỏ...) và các trò chơi dân gian (đua thuyền độc mộc, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, đập niêu đất). Bên cạnh đó còn trưng bày và giới thiệu sách, báo, tranh ảnh quảng bá về du lịch Bắc Kạn; chiếu phim tuyên truyền, quảng bá du lịch...

Theo đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, chương trình tuần du lịch Ba Bể-Bắc Kạn năm nay được xác định là một nội dung nổi bật trong tổng thể các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của tỉnh Bắc Kạn; đây không chỉ là điều kiện đưa du lịch Bắc Kạn đến gần với du khách thập phương mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư vào các loại hình du lịch dịch vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.

Xác định trọng tâm là phát triển du lịch

Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, nhưng được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho nhiều cảnh đẹp, trong đó nổi bật là hồ Ba Bể, cùng với vị trí nằm trên trục giao thông kết nối thuận tiện với các tỉnh trong khu vực (Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng), huyện Ba Bể được xác định là địa bàn quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn.

Những năm gần đây, Ba Bể cũng chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù như xây dựng một số tour, tuyến du lịch hấp dẫn kết nối với các địa phương trong khu vực, mở mang, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách... Cùng với đó, huyện đã thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, địa điểm du lịch; duy trì việc tổ chức các lễ hội truyền thống, đặc biệt là hội Lồng Tồng Ba Bể, thu hút đông đảo du khách thập phương. Đồng thời, huyện coi trọng công tác tuyên truyền, quảng bá và khuyến khích người dân khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nuôi cá đặc sản, lợn đen, gà đồi; giữ gìn nghệ thuật hát then, đàn tính.... Không chỉ chính quyền, cư dân Ba Bể cũng tích cực tham gia phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…, trong đó du lịch theo hình thức khám phá, tìm hiểu văn hóa bản địa (homestay) đang rất được ưa chuộng.

Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu từ năm 2020-2030 phấn đấu xây dựng khu du lịch Ba Bể thành khu du lịch quốc gia và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện Ba Bể cũng như của tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Kạn đến năm 2030, cụm du lịch Ba Bể và vùng phụ cận được ưu tiên số 1, trong đó ưu tiên phát triển du lịch vùng hồ Ba Bể với những cảnh quan hấp dẫn; tạo dựng được hệ thống các sản phẩm du lịch vừa đa dạng, vừa đặc thù và có chất lượng cao; đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững. Tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh.

Hồ Ba Bể - báu vật thiên nhiên
 
Vẻ đẹp của thuyền độc mộc giữa Hồ Ba Bể. Ảnh: baotintuc.vn
Vẻ đẹp của thuyền độc mộc giữa Hồ Ba Bể. Ảnh: baotintuc.vn

Với lợi thế là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn (thuộc xã Nam Mẫu), hồ Ba Bể rộng khoảng 500ha, được ví như “Viên ngọc xanh giữa đại ngàn”, là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Bắc Kạn. 

Nằm ở trung tâm của Vườn Quốc gia Ba Bể, chung quanh hồ là rừng nguyên sinh trên núi đá với hệ sinh thái đa dạng, khí hậu trong lành và là một khu du lịch hấp dẫn của vùng miền núi phía bắc. Hồ Ba Bể nằm ở độ cao khoảng 178 m so với mực nước biển, đây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất và cao nhất ở Việt Nam. Hồ Ba Bể còn được xem là "hồ tự nhiên trên núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam". Tên gọi Ba Bể có nghĩa là “ba hồ”, người Tày gọi là “Slam Pe” (Pé Lèng, Pé Lù và Pé Lầm). Đây là một tên cổ muốn nói hồ có ba đoạn phình ra tương đối lớn. Tuy nhiên, thực tế Ba Bể là một hồ nước liên tục với vô số các khe suối nhỏ, trải dài gần 8 km theo hướng Bắc-Nam. Chính vì nét hùng vĩ tráng lệ này mà đôi khi Ba Bể được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Hồ sâu trung bình từ 17 đến 23 m, điểm sâu nhất khoảng 35 m. Diện tích mặt hồ dao động từ 300 đến 500 ha theo mùa và quanh năm nước trong xanh. 

Toạ lạc giữa một vùng núi đá vôi rộng lớn, hồ Ba Bể mang vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng với không khí mát lạnh, dễ chịu. Khi sương chưa tan, vào sáng sớm, hồ mang vẻ đẹp huyền bí của một địa danh rộng lớn bao la. Cũng quang cảnh ấy, dưới ánh mặt trời rực rỡ vào ngày nắng đẹp là bức tranh thủy mặc hữu tình. Mặt hồ bao la in đậm bóng núi mây trời, toàn cảnh hồ như một bức tranh thủy mặc làm say lòng những du khách tới nơi đây. 

Vùng hồ Ba Bể, còn có hệ thống hang động, thác nước và là nơi đồng bào dân tộc Tày cư trú lâu đời trong những căn nhà sàn đặc trưng thấp thoáng bên hồ, đồng bào dân tộc Mông, Dao cư trú trên sườn núi, mang đậm bản sắc riêng về trang phục, văn hóa, sinh hoạt. Lãng mạn hơn là những cô gái Tày trong bộ đồ màu chàm, lúc ẩn lúc hiện trên những chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé giữa bao la trời nước. 

Nơi đây thích hợp cho một kỳ nghỉ gần gũi với thiên nhiên vào những ngày cuối tuần. 

Lan Khanh (tổng hợp)
TTXVN

Có thể bạn quan tâm