Sắc màu triền đá Đồng Văn

Sắc màu triền đá Đồng Văn
Màu sắc đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Màu sắc đặc trưng của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Hiếm có nơi nào đá nhiều như ở cao nguyên Đồng Văn. Những triền đá nối tiếp nhau phủ lên những ngọn núi cao ngất một “tấm áo” khổng lồ, xù xì, không mấy mượt mà như những triền núi hoa cải, hoa tam giác mạch hay ruộng bậc thang. Đá núi Đồng Văn có tự bao giờ, không ai biết được, người Mông ở vùng này chỉ biết khi sinh ra, lớn lên đã thấy những núi đá chạy tít hút lên đến tận cổng trời. Và cuộc đời họ gắn liền với không gian đá núi từ thuở nhỏ đến khi nhắm mắt xuôi tay.
 
Dòng Nho Quế trong xanh và hiền hóa dưới chân những triền đá.
Dòng Nho Quế trong xanh và hiền hóa dưới chân những triền đá.

Đá ở Đồng Văn được thiên tạo với muôn hình vẻ, muôn dáng điệu nhưng chung sắc màu xám. Vì thế, đến Đồng Văn, chỉ cần ngồi trên xe, trên con đường uốn lượn quanh những ngọn núi, bạn có thể cảm nhận được ngay sắc màu bàng bạc, đen xám của rừng đá nơi đây. Xưa kia, ở những núi đá, vì có quá nhiều những tảng đá nối nhau liên tiếp nên cây cỏ ở đây khó sinh sôi, phát triển được, những ngọn núi nơi đây thiểu hẳn màu xanh của sự sống. Người Mông trong cuộc mưu sinh của mình đã quyết tâm chinh phục tự nhiên bằng cách lách ra từng khoảnh đất nhỏ giữa bạt ngàn đá để gieo hạt ngô hạt lúa, bắt đá phải “nảy mầm” cho ra những hạt ngũ cốc để nuôi sống con người. Cũng từ đó, màu xanh của ngô, lúa, sắn chen lẫn màu đen xám của đá.
 
Bàn tay con người như có phép màu để tạo nên những con đường giữa lòng núi đá.
Bàn tay con người như có phép màu để tạo nên
những con đường giữa lòng núi đá.

Vào mùa hạ, cao nguyên đá Đồng Văn như rực lên bởi nắng chiếu xuống những triền đá tua tủa, nhọn hoắt. Đêm về, đá như tỏa ra hơi lạnh khiến không gian dịu nhẹ, thoáng mát. Mùa thu, tiết trời Đồng Văn trở nên mát mẻ, êm dịu hơn nên mùa thu cũng là thời điểm lý tưởng nhất trong năm cho những ai ưa khám phá với những hành trình ngược sơn.
 
Đường lên cao nguyên đá Đồng Văn.
Đường lên cao nguyên đá Đồng Văn.

Nếu trước đây đá Đồng Văn là minh chứng cho vùng đất khô cằn, nhọc nhằn và gian khó thì ngày nay, cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành điểm du lịch vùng cao lý tưởng. Cư dân bản địa xưa kia chỉ biết lách đá trồng ngô khoai thì nay đã biết làm du lịch, biết dựa vào đá để làm cho cuộc sống nơi đây đổi thay. Đến với Đồng Văn là hành trình khám phá vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa thô ráp của đá thiên tạo và du khách cũng sẽ phát hiện một thế giới đá trào dâng sức sống.

Đến Đồng Văn, bạn có thể thả hồn mình vào đá để lắng nghe sức sống đang cựa mình nơi miền đất khô cằn. Những tảng đá nối tiếp nhau tưởng như vô hồn vậy mà nơi đây vẫn trào dâng nhựa sống. Đó là âm thanh của tiếng chân ngựa lóc cóc trên con đường đá, là những vạt hoa cải vàng rực, những vạt ngô xanh mỡ màng, là tiếng nói cười của những cô sơn nữ trên đường đi chợ vọng vào đá núi. Và những chiếc váy hoa sặc sỡ sắc màu thổ cẩm phơi trên những mỏm đá đã biến những tảng đá bất động, vô tri kia trở nên sống động vô cùng. Ngồi trên những mỏm đá ngắm nhìn mây trời, non nước. Lên đỉnh Mã Pì Lèng nghe những câu chuyện về đá, về con đường Hạnh phúc chạy xuyên qua những vách đá cao sừng sững mà biết bao người đã hy sinh để tạo nên con đường đi vào trung tâm huyện Đồng Văn. Đứng trên cung đường ngoằn ngoèo ngắm dòng Nho Quế trong xanh chảy dưới chân mình để thấy thiên nhiên thật hùng vĩ, choáng ngợp.

Đến Đồng Văn dù chỉ một lần, bạn sẽ có một ấn tượng đậm sâu về những ngọn núi đá, một sắc màu không thể thiếu nơi cao nguyên xa xôi này.     
Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm