Rủi ro khi xuất xứ hàng hóa bị “mượn”

Rủi ro khi xuất xứ hàng hóa bị “mượn”
Nguy cơ bị kiện phá giá tăng cao Thời gian qua, Việt Nam liên tục bị nhiều quốc gia khởi kiện liên quan đến bán chống phá giá. Có thể thấy, riêng ngành thép, chỉ trong tháng 9 đã có 3 vụ kiện chống bán phá giá từ Thái Lan đối với tôn phủ màu và ống thép không rỉ xuất khẩu sang thị trường này. Mới đây ngày 25/11, Cục quản lý cạnh tranh cũng cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) xuất khẩu từ Việt Nam và bốn quốc gia khác. Theo số liệu hải quan Hoa Kỳ ghi nhận, giá trị nhập khẩu ống thép hàn cacbon từ Việt Nam vào Hoa Kỳ trong năm 2014 là 60,6 triệu USD - mức nhập khẩu lớn nhất trong số các nước bị điều tra vào Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, biên độ phá giá cáo buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng cao nhất ở mức 113,18%.
Rủi ro khi xuất xứ hàng hóa bị “mượn” ảnh 1
Riêng ngành thép, chỉ trong tháng 9 đã có 3 vụ kiện chống bán phá giá từ Thái Lan.
Tuy nhiên, nhìn lại các vụ kiện Việt Nam bán phá giá, rõ ràng các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hiện không phải là thế mạnh vốn có của doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Điển hình như mặt hàng thép, thống kê của Tổng Cục hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc 10 tháng đầu năm vào Việt Nam đến 7,7 triệu tấn trị giá 3,49 tỷ USD, tăng 62% và chiếm tới 61% tổng lượng nhập khẩu nhóm hàng này. Cuối tháng 10, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng đã gửi văn bản của Văn phòng chống gian lận Liên minh châu Âu đến Bộ Công Thương bày tỏ nghi ngờ các DN Trung Quốc lợi dụng đưa sản phẩm sắt thép sang Việt Nam để trốn thuế chống bán phá giá mà EU đang áp dụng với Trung Quốc. Bà Phạm Hương Giang, Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trung bình mỗi tháng DN nước ta gặp 1 vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM) trên thị trường thế giới. Đáng chú ý, sản phẩm của Việt Nam xuất sang thị trường nào đều có nguy cơ bị kiện ở nước đó. Nhiều rủi ro cho DN Việt Theo nhận định của TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, hiện tượng các DN FDI lợi dụng C/O nhằm mục đích tránh thuế chống bán phá giá tại một nước khác không phải là ít. Có 3 dạng hành vi lẩn tránh thuế phổ biến của DN FDI tại Việt Nam, xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần như sau: Thứ nhất là làm giả giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá tại một nước thứ ba; thứ hai là nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện vào Việt Nam, sau đó đóng gói “Made in Vietnam” và xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp tại một nước thứ ba; thứ ba là đầu tư FDI với nhà máy đơn giản, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Tính từ đầu năm cho đến nay, DN Việt Nam đang phải đối mặt tới 56 vụ kiện, tập trung vào những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. như sản phẩm lốp xe, tôn lạnh, thủy sản, thép các loại, nhựa, dệt may, giày dép, đèn huỳnh quang, gỗ... Các nước kiện hàng hóa Việt Nam cũng rất đa dạng, từ Mỹ, EU, Canada, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.... Trong đó, thép, hóa chất và nhựa là những ngành hàng bị điều tra PVTM nhiều nhất.
TS Bùi Quang Tín cho biết, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của DN Việt Nam, vì việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến (trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của Việt Nam không tăng nhiều). Điều này dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng, qua đó gây mất uy tín của hàng hóa của chúng ta trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Điều đáng nói, các vấn đề liên quan đến C/O cũng tương đối phức tạp, nhiều nước còn chưa thống nhất với nhau cách hiểu đối với sai phạm về C/O, cán bộ ký tên trên C/O của các nước thường xuyên có sự thay đổi. Đây là những vấn đề khó khăn đặt ra với các cán bộ Hải quan trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ có C/O vì các tiêu chí kiểm tra tương đối phức tạp, liên quan đến nhiều văn bản nhưng phải đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh, thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Để hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài mượn C/O Việt Nam để xuất đi nước khác, TS Tín cho rằng các DN trong cùng ngành hàng phải hợp tác và cẩn trọng với các doanh nghiệp FDI. Không thể vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng tới uy tín của cả nền kinh tế trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, ngành Hải quan cũng cần tăng cường rà soát các DN FDI đăng ký thủ tục hải quan, đánh giá năng lực sản xuất của doanh nghiệp đó, xác định sự phù hợp giữa năng lực, công suất dây chuyền công nghệ và tần suất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu với tần suất xuất khẩu hàng hóa.  Thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản... áp thuế chống bán phá giá và danh sách các nước bị áp thuế. Khi phát hiện ra những DN xuất nhập khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang điều tra, thì hải quan cần có cảnh báo cho các cơ quan liên quan như VCCI, Bộ Công Thương và chỉ đạo Hải quan địa phương tiến hành các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm