Rộn ràng Tết Chol Chnam Thmay

Rộn ràng Tết Chol Chnam Thmay
Sư chùa Sakommenchidomra cắt tỉa cây cảnh để đón tết
Sư chùa Sakommenchidomra cắt tỉa cây cảnh để đón tết

Trên các tuyến đường dẫn vào phum sóc, nhiều hộ Khmer đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí nơi thờ cúng để đón tết; con cháu ở xa cũng về sum họp cùng gia đình.

Đến gia đình bà Thị Thịnh, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cũng là lúc bà đang dọn nhà. Hộ bà có 2 công ruộng, vụ Đông xuân vừa rồi do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất thấp hơn so với những năm trước, tuy nhiên không khí đón tết của gia đình không vì thế mà bớt rôm rả. Ngoài dọn dẹp nhà cửa, bà còn chuẩn bị gói bánh tét, mua bánh mứt, trái cây để cúng ông bà. “Việc gói bánh tét được gia đình tôi duy trì trên 15 năm qua. Một năm chỉ có một lần, dù khó khăn đến mấy cũng làm cho tươm tất”, bà Thịnh bộc bạch.

Còn gia đình bà Thị Rinh, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, cũng đang hối hả chuẩn bị tết. Ngoài 8 công ruộng, gia đình bà còn trồng khoảng 1 công hoa màu. Năm nào cũng vậy, sau tết chung của dân tộc thì gia đình bà xếp lịch thời vụ xuống giống vụ hoa màu để thu hoạch trước Tết Chol Chnam Thmay. Bà Rinh nói: “Tôi làm như thế vì nếu vụ lúa Đông xuân thất thu thì sẽ còn vụ hoa màu trang trải để đón tết sung túc hơn, còn cả hai trúng mùa thì càng tốt”.

Gia đình bà có 4 người con đều đã có gia đình. Hàng năm, ngoài tết chung thì Tết cổ truyền của đồng bào các con của bà đều về sum họp. “Tuy vụ Đông xuân năm nay không trúng so với những năm trước nhưng cũng không đến nỗi tệ. Tết này, gia đình tôi chuẩn bị đầy đủ theo phong tục cổ truyền để cúng ông bà, tổ tiên và đón con cháu về vui chơi”, bà Rinh cho hay.

Cũng như nhiều lễ hội khác của đồng bào, Tết Chol Chnam Thmay diễn ra chủ yếu tại chùa Khmer. Trong ngày đầu của năm mới, đồng bào Khmer sẽ cùng nhau đến chùa đón lễ hội; từng dòng người nối nhau mang theo lễ vật thành kính tiến vào chánh điện. Tại đây, họ được nghe các vị sư tụng kinh cầu phúc lộc, vụ mùa mới bội thu. Bằng tấm lòng tôn kính, đồng bào phật tử dâng những mâm cơm đến các sư. Một hoạt động thu hút đông đảo phật tử tham gia nữa là lễ cầu siêu cho ông bà, tổ tiên và tắm Phật thể hiện ý nghĩa tích phúc đức, cầu mong được điều lành, lộc tài cho con cháu.

Bà Thị Hiền, ở ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Tôi mong năm mới gia đình có nhiều sức khỏe, làm ăn thuận lợi để thoát khỏi cảnh nghèo khó, lo cho con cháu học hành tới nơi tới chốn”. Gia đình bà Hiền có khoảng 500m2 trồng hoa màu, ngoài ra còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm thuê, thế nhưng nhiều năm qua vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, để đón Tết cổ truyền, bà vẫn gói bánh tét, sửa lại mái nhà... “Tết mà, ai khá thì đón lớn, còn khó khăn thì nhỏ hơn, nhưng dù thế nào cũng phải có mâm cơm để cúng ông bà”, bà Hiền cho biết.

Hậu Giang có 15 ngôi chùa Khmer. Đối với đồng bào, chùa ngoài là nơi linh thiêng, thờ cúng còn là nơi vui chơi, giải trí, gửi gắm niềm tin của gia đình, bản thân. Đến chùa Sakommenchidomra, ở ấp 12, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, gặp sư và phật tử đang dọn dẹp cảnh quang, háo hức chờ đến tết. Đại đức Danh Đưa, trụ trì chùa Sakommenchidomra, cho biết: “Hàng năm, cứ đến Tết Chol Chnam Thmay là chúng tôi dọn dẹp, trang trí chùa để đón phật tử gần xa đến viếng, cầu an. Chúng tôi đã xây sa la và đang trong quá trình hoàn thiện để phật tử đến chùa được thoải mái hơn”.

Tết này, đồng bào ở đây còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ như: múa Rô băm, cùng nhảy Lâm thôn theo tiết tấu rộn rã của dàn nhạc ngũ âm. Tranh thủ lễ hội, nhiều gian hàng ẩm thực cũng được mở trước cổng chùa… “Tuy là lễ lớn nhất trong năm nhưng chúng tôi chỉ tổ chức với hình thức gọn nhẹ mà vẫn đảm bảo đầy đủ các lễ nghi, phong tục truyền thống”, đại đức Danh Đưa cho biết.

Tết Chol Chnam Thmay là một trong những lễ hội chính hàng năm của đồng bào dân tộc Khmer được cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức, phối hợp tổ chức một cách chu đáo, nhiều bà con nghèo  được hỗ trợ, tặng quà để có điều kiện đón tết thêm sung túc. Trong 3 ngày tết, giống như phong tục của người Kinh, người Khmer cũng  đi thăm hỏi, chúc nhau tài lộc, sức khỏe, phát đạt và cùng tham gia các sinh hoạt cộng đồng. Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức, tạo điều kiện cho bà con vui chơi tết đoàn kết, lành mạnh…
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm