Rộn ràng mùa thu hoạch ở "thủ phủ" cói xứ Thanh

Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN
Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

Được ví như thủ phủ cói của xứ Thanh, năm nay cói của huyện Nga Sơn được cả mùa lẫn giá khiến bà con vô cùng phấn khởi. Dọc các cánh đồng cói ở các xã Nga Liên, Nga Tân, Nga Thủy, Nga Tiến, Nga Thanh... những ngày cuối tháng 6, đâu đâu cũng thấy không khí lao động tất bật, khẩn trương xen lẫn tiếng cười nói rộn ràng.

Rộn ràng mùa thu hoạch ở "thủ phủ" cói xứ Thanh ảnh 1Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

Ở hầu hết các xã ven biển của huyện Nga Sơn, người dân chủ yếu sống từ nghề trồng cói. Cói Nga Sơn khi còn tươi, thân cói có màu xanh mướt, bóng mượt, sau khi thu hoạch sợi cói có màu trắng, đẹp, dai và bền, nhờ vậy, hàng trăm năm trôi qua, cói Nga Sơn vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường và tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất này. Một năm người nông dân Nga Sơn trồng 2 vụ gồm cói vụ chiêm thu hoạch từ tháng 6-7 và cói vụ mùa thu hoạch vào tháng 10-11.

Trồng cói, chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói cũng vất vả không kém và mất rất nhiều thời gian bởi sau khi cắt cói bằng những chiếc liềm chuyên dụng, người nông dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt gọn phần gốc, phần ngọn.

Sau đó người dân bắt đầu chẻ cói, đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Thường cây cói sẽ được chẻ làm 2 mảnh rồi mới đem phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong. Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt. Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp.

Rộn ràng mùa thu hoạch ở "thủ phủ" cói xứ Thanh ảnh 2 Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

Công việc của người nông dân trong vụ thu hoạch cói diễn ra từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối muộn. Những hôm thời tiết nắng nóng, người dân nơi đây phải thức dậy tư 2 giờ sáng, tranh thủ ra đồng đi cắt cói để tránh nắng. Đến lúc nắng lên là có thể phơi cói trên đồng, chiều mát là có thể thu hoạch cói thành phẩm để nhập cho các đại lý... Năm nay cói loại 1 giá 19.000 đồng/kg; cói loại 2 từ 16.000-17.000 đồng/kg... Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cói sẽ tiếp tục chăm sóc bằng cách làm cỏ, bón phân, cây sẽ mọc trở lại và nhanh phát triển cho vụ tiếp theo.

Vừa thoăn thoắt cắt cói, anh Mai Văn Học (xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn) cho biết: "Nhà tôi có 2 sào trồng cói, thời tiết năm nay thuận lợi nên sản lượng cói đạt trên 4 tạ/sào, cói dài, đẹp nên bán được 7-8 triệu/sào cói. Những cói ngắn, xấu hơn, nhà tôi đem về xe quại sau đó đem ra chợ bán thành tiền nên thu nhập từ cói cũng rất rất ổn định. Hết vụ thu hoạch, chúng tôi lại tập trung trồng và chăm bón cho vụ mới. Thời gian nông nhàn sẽ tranh thủ đi làm công tại các xưởng sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp từ cây cói trên địa bàn".

Bà Nguyễn Thị Lan (xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) khẳng định: "So với trồng lúa, trồng cói vất vả hơn nhiều nhưng cho thu nhập cao hơn. Như năm nay, cói được mùa, được giá, thu hoạch đến đâu có các đầu mối đến tận ruộng thu mua nên bà con nông dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, nghề trồng cói cũng rất bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cũng có nhiều năm bị mất mùa, nhưng vì đây là nghề của cha ông truyền lại nên chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ đồng cói."

Cói sau khi sơ chế sẽ được dệt thành chiếu và các sản phẩm tiểu thủ công như mũ, túi xách, làn, đồ trang trí, đồ lưu niệm… Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã đi muôn nơi, tạo nhiều việc làm, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Hiện sản lượng cói ở Nga Sơn đã đạt tới 20.000 tấn/năm, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ cây cói đạt từ 180 đến trên 200 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Những năm qua, UBND huyện Nga Sơn đã chú trọng đến quy trình thâm canh cây cói và có chủ trương cơ chế chính sách khuyến khích phát triển hàng tiểu thủ công nghiệp từ cây cói. Thương hiệu cói Nga Sơn ngày càng được củng cố một cách bền vững, nhất là khi chỉ dẫn địa lý “cói Nga Sơn” chính thức được Nhà nước bảo hộ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có công trình cụ thể nghiên cứu thâm canh chăm sóc cây cói để đạt năng suất chất lượng cao, do vậy thời gian tới, mong các cấp từ trung ương đến tỉnh nghiên cứu để hoàn thiện quy trình thâm canh cây cói để đảm bảo năng suất chất lượng cao hơn nữa, từ đó nâng cao thu nhập cho nhân dân vùng cói nói riêng và nhân dân Nga Sơn nói chung."

Được biết, các sản phẩm làm từ cói của Nga Sơn được bày bán tại các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, ngoài ra còn được xuất khẩu tới hơn 30 nước trên thế giới trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm