Rơ Châm Hneoh - Người Bí thư mẫn cán của dân làng Broch

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Rơ Châm Hneoh, 55 tuổi, làng Broch, xã Ia Khươl, huyện Chư Pah (Gia Lai) còn là một đảng viên gương mẫu để dân làng Broch học tập và làm theo. Với nhiều cách làm hay, lời nói hợp lòng dân của ông khiến cộng đồng làng Broch ngày càng đoàn kết, phát triển đi lên.

Ro Cham Hneoh - Nguoi Bi thu man can cua dan lang Broch hinh anh 1Ông Hneoh chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: baogialai.com.vn

Với ý niệm “mình làm tốt, giỏi thì người dân trong làng mới học tập và làm theo”, trong nhiều năm qua, ông Hneoh tập trung phát triển kinh tế. Đặc biệt, ông chú trọng vào phát triển vườn cây, chăn nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế tại quê hương ông đang sống. Theo đó, đa dạng cây trồng, vật nuôi là cách làm mà ông Broch cùng nhiều gia đình trong làng hướng đến để phát triển kinh tế bền vững. Dù đã ở tuổi 55 nhưng ông vẫn hăng say lao động. Ngày ngày, ông chăm chỉ lên rẫy chăm sóc vườn cà phê vừa tái canh, bẻ cành bời lời, kiểm tra nước trong ruộng lúa. “Hiện gia đình tôi trồng được 1.400 cây cà phê, 1,2 ha mì, 5 ha bời lời và 1 ha lúa. Thu nhập bình quân hàng năm của gia đình tôi từ 300 triệu đồng trở lên”- ông Hneoh chia sẻ.

Có được kinh nghiệm phát triển các mô hình kinh tế từ thời là Phó Chủ tịch Hội Nông dân của xã Ia Khươl, hàng ngày, ngoài thời gian lên rẫy, ông trực tiếp đến các hộ truyền đạt cho dân làng các kiến thức mới để mọi người làm theo. Nhờ đó, nhiều mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng, phân bổ các loại cây trồng tùy theo địa hình… đã giúp nhiều gia đình phát triển kinh tế hộ gia đình khá ổn định. Theo đó, đời sống của bà con trong làng có nhiều bước tiến triển rõ rệt. Nếu năm 2018, làng có 31 hộ nghèo, đến năm 2019 số hộ nghèo chỉ còn 8 hộ và 10 hộ cận nghèo. Số hộ có kinh tế khá giả với mức thu nhập từ 300 triệu/năm trở lên ngày càng nhiều như ông Rơ Châm Bảo, bà Rơ Châm Phan, anh Rơ Châm Ngít. Nhà nào cũng có máy cày, máy xúc, công nông... để phục vụ công việc đồng ruộng.

Ro Cham Hneoh - Nguoi Bi thu man can cua dan lang Broch hinh anh 2Bằng lời nói thuyết phục, ông Hneoh làm tốt công tác vận động quần chúng. Ảnh: baogialai.com.vn

Ở phương diện là Bí thư Chi bộ của làng Broch, ông chính là “cuốn pháp luật” của dân làng. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều được ông tuyên truyền, phổ biến sâu rộng vào những kỳ họp làng. Nên ở trong làng, từ chuyện nhỏ như giải quyết mâu thuẫn gia đình đến việc lớn như tập hợp, kêu gọi đóng góp, chỉ cần có ông Hneoh, mọi chuyện đều ổn thỏa và được giải quyết nhanh chóng, dân làng vui vẻ nghe theo. Cụ thể, năm 2017, ông kêu gọi bà con trong làng góp được 100 triệu để sửa lại phần mái cho nhà rông của làng; vận động mua ghế, tượng Bác Hồ đặt trong Nhà sinh hoạt cộng đồng để mỗi cuộc họp thêm trang trọng. Nhà nước đầu tư kinh phí làm đường, làm cầu, ông kêu gọi bà con đến đóng góp ngày công để công trình nhanh chóng hoàn thành, hay như kêu gọi bà con đóng góp tiền mua 2 bộ cồng chiêng trị giá hơn 100 triệu đồng để phục vụ cho làng…

Bà Trần Thị Yến Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Khươl, huyện Chư Pah cho biết: Tinh thần đoàn kết, sự cấu kết cộng đồng của làng Broch rất cao. Nhân dân trong làng luôn tuân thủ đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Làng Broch cũng không ngừng tự vươn lên, hoàn thiện về mọi mặt. Có được điều đó một phần là nhờ công của ông Rơ Châm Hneoh, Bí thư Chi bộ làng Broch. Bằng lời nói thuyết phục, bất cứ điều gì khó khăn cần tạo sự đồng thuận trong làng có tiếng nói của ông đều thuận lợi. Chính quyền xã cũng cảm thấy yên tâm khi giao việc cho ông Hneoh phổ biến đến dân làng.

Quang Thái

Tin liên quan

Phạm Duy Thể - Bí thư đoàn người H’rê say mê công tác xã hội

Với sự năng động, sáng tạo, anh Phạm Duy Thể (sinh năm 1988), dân tộc H’rê, là Bí thư Đoàn xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đã phát động nhiều mô hình, cách làm hay góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên. Nổi bật là mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ”, “Nghĩa tình hậu phương”.


Kpă Meo chu toàn việc nước, làm kinh tế giỏi

Kpă Meo gương mẫu đi đầu trong công tác đoàn cũng như phong trào lập nghiệp tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, Kpă Meo còn giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số tại địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo” - anh Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai nhận xét.



Đề xuất