Rau truyền thống Trà Quế đắt khách

Người dân làng trồng rau truyền thống Trà Quế chăm sóc rau để xuất bán phục vụ dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Phước Tuệ - TTXVN
Người dân làng trồng rau truyền thống Trà Quế chăm sóc rau để xuất bán phục vụ dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Phước Tuệ - TTXVN

Ông Mai Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam) cho biết, dù còn gần 20 ngày nữa mới đến tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng toàn bộ số lượng rau của làng nghề trồng rau truyền thống Trà Quế trên địa bàn xã đã được các thương lái, đại lý trong và ngoài tỉnh đặt mua để phục vụ nhân dân sử dụng dịp Tết.

Rau truyền thống Trà Quế đắt khách ảnh 1Người dân làng trồng rau truyền thống Trà Quế chăm sóc rau để xuất bán phục vụ dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Phước Tuệ - TTXVN

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Hà, làng trồng rau truyền thống Trà Quế hiện có 202/283 hộ dân tham gia sản xuất rau sạch trên diện tích 18 ha. Bình quân mỗi năm sản xuất khoảng trên 860 tấn rau các loại như: cải, xà lách, rau dền, rau cúc, bắp cải, su hào, hành lá...

Với giá cả dao động khoảng 15.000 đồng/kg rau, mỗi năm làng rau đạt doanh số khoảng 13 tỷ đồng, sau khi trừ đi các chi phí: giống, phân bón, điện, thuốc bảo vệ thực vật… bà con Trà Quế còn lãi khoảng 8 tỷ đồng.

Riêng vụ rau Tết Nguyên đán 2022 này, làng rau trồng và cung ứng cho người dân khoảng 180 tấn rau các loại, đạt doanh số khoảng 2 tỷ đồng, trừ đi các chi phí, bà con làng Trà Quế còn lãi khoảng 1,4 tỷ đồng.

Theo người dân Trà Quế, làng nghề trồng rau đã có hơn 400 năm lịch sử, tất cả các hộ dân trong làng từ xưa đến nay đều xem trồng rau là nghề truyền thống của làng và là niềm tự hào của địa phương.

Để bảo tồn và phát triển làng nghề, từ bao đời nay, người dân của làng đã có hương ước, quy định tất cả các hộ dân tham gia sản xuất rau phải luôn đưa phương châm “Vì an toàn của người sử dụng lên hàng đầu”; tuyệt đối trồng và chăm sóc rau theo hướng hữu cơ, phân bón hữu cơ; không sử dụng hóa chất, thuốc kích thích trong trồng trọt và bảo quản, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo liều lượng quy định của ngành nông nghiệp. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các dung dịch phòng, chống sâu bệnh được chế biến theo các phương pháp truyền thống từ các nguyên liệu tự nhiên như: ớt cay, tỏi, gừng, bạc hà...

Nhờ trồng rau nên đời sống của người dân trong làng ngày càng ổn định và phát triển hơn so với mặt bằng chung của các hộ dân các địa phương khác.

Tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, hằng năm, thành phố Hội An đều có chương trình hỗ trợ bà cây giống giống và phân bón cho bà con, tổ chức mở các lớp tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất, nâng cao số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm của làng nghề.

Rau truyền thống Trà Quế đắt khách ảnh 2Các loại rau của làng trồng rau truyền thống Trà Quế được chăm sóc, phát triển để xuất bán phục vụ dịp tết Nguyên đán. Ảnh: Phước Tuệ - TTXVN

Bên cạnh đó, xã Cẩm Hà cũng tổ chức cho bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số làng nghề trồng rau nổi tiếng trong và ngoài tỉnh.

Để giải quyết đầu ra cho bà con, cho người dân yên tâm sản xuất, xã Cẩm Hà đã tổ chức thành lập Hợp tác xã Thương mại và du lịch làng rau Trà Quế để quảng bá và làm đầu mối kết nối cung cấp nguồn rau sạch của làng với các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao và Truyền hình của thành phố tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tại làng nghề để quảng bá sản phẩm, trích phần trăm tiền vé của tour du lịch cho bà con.

Nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề hơn nữa, ông Mai Thanh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cẩm Hà khẳng định, trong thời gian tới, UBND xã cẩm Hà sẽ khoanh vùng, quy hoạch diện tích trồng rau để bảo vệ diện tích và cảnh quan làng nghề; hướng người dân sản xuất theo quy trình hữu cơ, bảo vệ thương hiệu rau Trà Quế trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phước Tuệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm