Rau màu được giá, nông dân Bạc Liêu thu lãi cao

Hơn tháng qua, rau cần nước và rau má tại tỉnh Bạc Liêu được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 18.000-20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân lãi khá cao nên rất phấn khởi, phần nào giải tỏa những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh, giãn cách xã hội thời gian qua.

Rau mau duoc gia, nong dan Bac Lieu thu lai cao hinh anh 1 Mô hình rau cần nước được trồng theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Huyện Phước Long được xem là thủ phủ trồng rau cần nước và rau má của tỉnh Bạc Liêu với diện tích trên 100 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Vĩnh Thanh, Hưng Phú và Vĩnh Phú Đông. Trung bình mỗi ngày, nông dân vùng trồng rau ở đây cung ứng cho thị trường khoảng 30 tấn.

Ông Huỳnh Trung Thủ, Giám đốc hợp tác xã rau màu 8/3, xã Vĩnh Thanh cho biết, người dân tại địa phương trồng khá nhiều loại rau như: muống, ngót, cần nước, má cùng nhiều loại rau thơm nhưng tăng giá nhiều nhất là cần nước và rau má. Cả 2 loại rau này chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Nhu cầu tiêu thụ tăng cao, vận chuyển thuận lợi cũng góp phần giúp rau màu có nhiều thị trường tiêu thụ hơn.

So với mấy tháng trước, giá rau ở thời điểm này tăng trên 10.000 đồng/kg. Dù giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng nhiều so với trước nhưng trừ đi các khoản chi phí đầu tư, nông dân vẫn có lãi khá cao.

Các vùng sản xuất rau cần nước đã hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Người dân được chuyển giao quy trình sản xuất rau an toàn. Nhiều diện tích rau cần nước đã được trồng trong nhà lưới, dùng hệ thống phun nước tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học, hạn chế hóa chất... nên ít bị sâu bệnh gây hại. Vì thế, không cần phải sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng vi sinh, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng.

Rau mau duoc gia, nong dan Bac Lieu thu lai cao hinh anh 2Nông dân Bạc Liêu thu hoạch rau má. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tương tự, rau má cũng là loại dễ trồng, dễ chăm sóc với ưu điểm cho thu hoạch quanh năm. Lúc đầu chỉ một số ít hộ dân ở xã Vĩnh Thanh cải tạo vườn tạp trồng rau má. Nhưng chỉ sau mấy năm, diện tích trồng đã tăng lên gần 30 ha. Rau má không chỉ được trồng trên đất vườn mà đã được nông dân cải tạo trồng trên đất ruộng khá hiệu quả.

Ông Lê Văn Nén - ở ấp Huê III A, xã Vĩnh Phú Đông cho biết, với 1 công (1.000 m2) trồng rau má, người dân có thể thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại hoa màu khác hay kể cả trồng lúa tại thời điểm hiện nay. Người trồng rau má hầu như thu hoạch quanh năm, cứ sau 15 -20 ngày là thu hoạch 1 đợt.

Giá rau cần nước và rau má tăng cao trở thành động lực thúc đẩy nông dân mở rộng thêm nhiều diện tích sản xuất. Bên cạnh lợi nhuận trước mắt, việc mở rộng sản xuất cũng dấy lên nỗi lo về lâu dài đối với cơ quan quản lý, một khi nguồn cung vượt quá nhu cầu sử dụng. Việc tìm đơn vị đối tác, hợp tác thu mua đảm bảo đầu ra đảm bảo cũng như quy hoạch các vùng trồng rau màu phù hợp vẫn là những giải pháp mà đại phương cần sớm được quan tâm để giúp nông dân an tâm sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường rau màu của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Phạm Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp ngoài tỉnh đang cùng với nông dân triển khai liên kết bao tiêu rau cần nước và rau má với giá cố định. Dựa trên thực tế sản xuất, doanh nghiệp sẽ trừ chi phí sản xuất, công lao động để chốt giá. Trung bình, nông dân sẽ được lợi nhuận từ 2.000 – 3.000 đồng/kg rau.

Nếu nông dân chấp thuận, doanh nghiệp sẽ bao tiêu với số lượng lớn, ổn định lâu dài. Lâu nay, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tôm, lúa đã trở nên quen thuộc với nông dân. Nhưng hợp tác bao tiêu rau màu với giá cố định là hình thức mua bán còn khá mới nên nhiều nông dân còn tỏ ra e ngại.

Tuấn Kiệt

Tin liên quan

An Giang sẽ chuyển trên 34.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái

Giai đoạn 2021 – 2025 tỉnh An Giang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang rau, màu và cây ăn trái nhằm mục tiêu, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.


Tiền Giang nỗ lực giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, nông dân Tiền Giang đã trồng được gần 49.000 ha rau màu; trong đó, có 5.245 ha rau màu trồng dưới chân ruộng theo các mô hình luân canh, chuyên canh trên nền đất lúa. Đến đầu tháng 9/2020, bà con thu hoạch được trên 41.000 ha với sản lượng rau màu các loại gần 815.000 tấn cung ứng thị trường.


Mô hình chuyển đổi trồng rau màu cho hiệu quả cao ở Phú Quốc

Những năm gần đây nhiều nông dân ở huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đầu tư chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kết hợp với việc áp dụng khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế cao; trong đó, mô hình trồng rau màu được người dân chú trọng.



Đề xuất