Rà soát chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Rà soát chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Rà soát chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam – thực trạng và những vấn đề đặt ra là nội dung của hội thảo do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tổ chức ngày 22/12, tại Lạng Sơn.

Theo Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Công tác dân tộc trong 5 năm 2011-2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; nhận thức về công tác dân tộc đã có chuyển biến rõ nét trong toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương. Các chính sách mới ban hành đã phát huy tác dụng và hiệu quả; một số chính sách được sửa đổi bổ sung theo hướng thiết thực, phù hợp với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh hơn bình quân chung cả nước; trật tự an toàn xã hội được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực phấn đấu vươn lên giảm nghèo. 

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN


Công tác xóa đói, giảm nghèo hàng năm đều đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm bình quân từ 2-2,36%/năm; riêng các huyện nghèo theo Quyết định 30a giảm trên 4% (năm 2013 giảm 5,69% so với năm 2012)... Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,97%; trong đó còn 5 tỉnh tỷ lệ hộ nghèo từ 20% đến dưới 25% và 1 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%... Các chính sách giáo dục đào tạo, y tế vùng dân tộc thiểu số luôn được quan tâm như miễn giảm học phí, trợ cấp tiền, lương thực cho học sinh dân tộc thiểu số; cấp thẻ Bảo hiểm Y tế, khám chữa bệnh… An ninh các tuyến biên giới quốc gia luôn được giữ vững; tình đoàn kết gắn bó của các dân tộc sinh sống hai bên biên giới ngày càng được gắn bó… 

Tuy vậy, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn những hạn chế, chưa đủ tạo ra bước đột phá vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công tác dân tộc vẫn còn tồn tại một số khó khăn, yếu kém, đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết như kinh tế -xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển chậm, khoảng cách chênh lệch lớn so với các vùng miền khác trong cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước, cơ sở y tế; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số nơi còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định… 

Tại hội thảo, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết: Trong giai đoạn 2016-2020 cần có các giải pháp huy động và thực hiện tốt nguồn lực đầu tư vùng dân tộc và miền núi như thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đối với đồng bào dân tộc thiểu số vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của quốc gia và từng bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương để thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. 

Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN
Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thái Thuần - TTXVN 

Các bộ, ngành, địa phương cần rà soát toàn bộ chính sách giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất chính sách cần tiếp tục thực hiện, chính sách cần sửa đổi, điều chỉnh, chính sách kết thúc; khắc phục tình trạng chồng chéo chính sách trên địa bàn các huyện; ưu tiên chính sách hỗ trợ đồng bào tự vươn lên thoát nghèo như giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn...; thực hiện tốt hai chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… 

Các bộ, ngành, địa phương cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế để thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm, phát triển văn hóa, giáo dục, giảm nghèo bền vững… 

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 là xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 3- 4%/năm; đến năm 2025 tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi còn dưới 8%, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10 tuổi trở lên biết chữ đạt trên 98%, tỷ lệ đại biểu nữ dân tộc thiểu số ở HĐND cấp xã đạt trên 40%... 

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm